DU LỊCH TÂY BẮC – NHỮNG ĐỊA ĐIỂM LUÔN THU HÚT DU KHÁCH
Tây Bắc thu hút đông đảo du khách ghé thăm bởi những khung cảnh hết sức thơ mộng và hùng vĩ của núi rừng.
1. Mù Căng Chải (Yên Bái)
Mù Căng Chải là một trong những nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất Tây Bắc, nằm trong danh sách những điểm đến hấp dẫn khi du lịch Tây Bắc. Những thửa ruộng bậc thang ở Mù Căng Chải được ca ngợi là “đỉnh cao của vẻ đẹp kết tinh từ văn hóa và lao động của người Việt Nam”. Khoảnh khắc thu sang, những thửa ruộng bậc thang dọc khắp cung đường Tây Bắc bước vào mùa thu hoạch lúa với sắc vàng rực rỡ như rót mật khắp các sườn đồi. Ánh nắng vàng óng ả rũ dài mảnh đất quyện cả một không gian tràn ngập hương lúa chín, ngây ngất khó phai.
Những ngôi nhà rải rác trên các thửa ruộng bậc thang chín vàng là nơi sinh sống của đa số dân tộc miền núi phía Bắc như: H’Mông, Dao… Cuộc sống miền núi cao tuy khó khăn, vất vả nhưng trên gương mặt họ luôn toát lên sự chất phác, hiền hậu. Nụ cười hồn nhiên, ánh mắt trong veo của các em nhỏ cùng những bộ trang phục sặc sỡ mang đậm bản sắc dân tộc vẽ nên bức tranh hữu tình giữa con người và thiên nhiên làm nao lòng những du khách nơi đây.
Cánh đồng lúa chín ở Mù Căng Chải
Đi Mù Căng Chải vào thời gian nào?
- Khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 là mùa lúa chín, lúc này toàn bộ Mù Cang Chải sẽ vàng rực một màu lúa, thời tiết đẹp, thuận lợi để đến thăm nơi đây.
- Khoảng tháng 5-6 là mùa đổ nước, khi những cơn mưa mùa hè bắt đầu trút nước xuống những ngọn núi thì nước được dẫn từ trên núi vào các ruộng bậc thang.
Các món ăn ngon tại Mù Cang Chải?
- Xôi nếp Tú Lệ – Một sản vật rất nổi tiếng từ xa xưa, nó được cấy trồng từ cánh đồng Mường Lò thuộc tỉnh Yên Bái.
- Cốm Tú Lệ – Một loại nếp có hạt gạo to tròn, trắng trong. Thứ nếp này khi được đồ thành xôi thì có vị dẻo thơm đặc biệt, còn khi chế biến thành cốm thì lại có thêm hương vị thật ngọt ngào, thanh mát.
- Cá Hồi và Cá Tầm – Từ chân đèo Khau Phạ phía bên Tú Lệ đi lên khoảng 7km sẽ tới khu vực nhà hàng Khau Phạ, đây cũng là một trong những trang trại nuôi Cá Hồi lớn của Miền Bắc, số lượng cá nuôi ở đây lên tới 10.000 con, cá giống hoàn toàn được nhập và nuôi theo công nghệ từ Châu Âu.
- Châu chấu rang – Châu chấu có quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa gặt, khoảng tháng 5 và tháng 9. Vào mùa, châu chấu bao giờ cũng thơm ngậy, là món ăn hấp dẫn khi đến Mù Cang Chải
- Cua suối rang muối – Thịt cua suối thơm, chắc và có thể chế biến được nhiều món ngon trong đó có món Cua suối rang muối. Cua sau khi bắt về bóc mai, rửa sạch để cho ráo nước. Cho dầu vào chảo đun sôi, bỏ tỏi vào xào thơm sau đó cho cua vào đảo cho đều, rắc muối lên rang cho đến khi cua chín vàng.
- Xôi ngũ sắc – Từ thứ gạo nếp như hạt ngọc trời ấy người dân nơi đây sáng tạo ra rất nhiều món ăn được nhiều người yêu thích.
- Táo mèo Mù Cang Chải – Cây Táo mèo phát triển tự nhiên trên những cánh rừng, chiều cao trung bình chừng 7 – 10m, thân gỗ, tán lá rộng, được phát triển mạnh nhờ sự phát tán của con người, súc vật và muông thú do vậy cây mọc không tập trung mà có khoảng cách.
2. Điện Biên Phủ (Điện Biên)
Thành phố Điện Biên và bảo tàng Điện Biên Phủ là một minh chứng lịch sử giúp bạn cảm nhận được hào khí của chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây hơn 60 năm. Bảo tàng sẽ là nơi trưng bày những kỷ vật chiến tranh. Và từ tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, bạn có thể ngắm nhìn được toàn cảnh cánh đồng Mường Thanh hoặc hầm tướng De Catrie cũng được xem là địa danh thú vị khi di du lịch Tây Bắc.
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Đi Điện Biên vào thời gian nào?
- Lên Điện Biên vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 để hòa mình và chung vui cùng người dân Điện Biên trong dịp đặc biệt này. Tuy nhiên, dịp lễ này Điện Biên đặc biệt đông do các đoàn đổ về với số lượng rất lớn. Nếu đi dịp này các bạn nên đặt phòng khách sạn tại Tp Điện Biên Phủ trước khoảng 1-2 tháng.
- Đi vào khoảng tháng 3 dương lịch là mùa hoa Ban nở trắng trời Tây Bắc.
- Tháng 12 dương lịch, đoạn đường Quốc lộ 6 đi Điện Biên hoa dã quỳ nở vàng rực 2 bên đường.
- Đi vào khoảng tháng 8-9 để kết hợp đi ngắm lúa ở một số vùng khác như Mù Cang Chải, Sa Pa
- Đi vào tháng 11 để kết hợp đi ngắm hoa cải ở Mộc Châu.
- Nếu muốn leo A Pa Chải các bạn nên tránh thời điểm mùa hè bởi tầm này là mùa mưa Tây Bắc cùng với cái nắng oi của mùa hè sẽ rất mệt mỏi và mất sức.
Các món ăn ngon tại Điện Biên Phủ?
- Cá nướng (Pa pỉnh tộp) – Nguyên liệu chính của món “pa pỉnh tộp” là cá suối và các loại gia vị
- Gà nướng mắc khén – Gà nướng mắc khén có da vàng, thịt thơm, vị ngọt, đậm mùi mắc khén, xả, gừng, ớt
- Xôi nếp nương Điện Biên – Xôi phải được đồ trong một cái chõ gỗ đặc biệt của người dân tộc Thái, xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay
- Gà đen Tủa Chùa – Ka Đu có mắt viền đen, da đen, vân thịt đen, phủ tạng đen, xương cũng nhuốm đen. Thịt gà Ka Đu rất săn chắc, thơm ngon. Đặc biệt thịt có hàm lượng glutamic và sắt cao gấp 2 lần so với gà bình thường và hàm lượng colesteron thấp. Đồng bào dân tộc thiểu số thường nấu cháo thịt Ka Đu bồi dưỡng cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú và dùng xương Ka Đu để ngâm rượu hoặc nấu cao sử dụng cho người già, người ốm yếu, chân tay run.
- Rau Hoa ban – những búp ban mới chỉ có đôi lá, người Thái hái từ những cây ban trên đồi cao, mang về rửa sạch rồi cho vào vại muối như muối dưa cải ở miền xuôi. Búp ban muối, ăn với cá sông Nậm Rốm kho
- Xôi chim Mường Thanh – Xôi chim được bày trên mâm bằng một cái ếp tre mộc mạc, có nắp đậy để giữ cho xôi luôn ấm và mềm. Xôi chim đặc biệt dẻo thơm nhờ hạt nếp nương sau hai lần đồ bằng chõ gỗ và béo ngọt nhờ vị thịt chim câu mới ra ràng tao thơm.
- Bắp cải cuốn nhót xanh – Có lẽ người miền xuôi lên Điện Biên nào đó quá ấn tượng với món nhót xanh cuốn bắp cải, rau mùi, chấm với chẳm chéo nơi đây. Món ăn đã làm nên đặc trưng của người Điện Biên,….
- Ngoài ra còn có: Bánh Khẩu Sén, Vịt om hoa chuối, Thịt lợn xay hấp lá chuối, Canh bon, Măng đắng, Rêu nướng, Chẩm chéo,….
3. Cao Nguyên Mộc Châu (Sơn La)
Cao nguyên Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La cũng là điểm đến tuyệt đẹp mà bạn nên tham quan khi du lịch vùng Tây Bắc. Đây được xem là nơi tập trung tài nguyên du lịch nhiều nhất của tỉnh Sơn La và khí hậu là tài nguyên du lịch đặc biệt có tính đặc thù ở Mộc Châu.
Cao nguyên Mộc Châu là vùng khí hậu với mùa hè mát mẻ, nhiệt độ trung bình là 20 độ C và mùa Đông khô ráo. Đến với Mộc Châu, bạn sẽ được tham quan các di tích lịch sử, rừng thông, động Sơn Mộc Hương, đỉnh Phiêng Luông,…
Đi Mộc Châu vào thời gian nào?
Thời gian đẹp nhất để đến với Mộc Châu là từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch và tháng 1 âm lịch. Đây chính là khoảng thời gian Mộc Châu mang nhiều sắc màu đẹp nhất với nhiều loài hoa nở đẹp.
- Trước và ngay sau dịp Tết Âm Lịch là mùa nở rộ của hoa đào và hoa mận.
- Giữa tháng 3 – thời gian hoa ban nở. Ngoài ra Lễ hội Hết Chá sẽ diễn ra vào ngày 26-3
- Tháng 9 có Tết Độc Lập của người Mông
- Tháng 11 là là thời điểm hoa cải phủ trắng các triền đồi
- Tháng 12 là tháng của dã quỳ
- Từ tháng 4 –tháng 8, Mộc Châu không được phủ bởi nhiều sắc hoa, nhưng cũng còn những điểm đến hứa hẹn mang đến nhiều thú vị cho bạn như:Thác Dải Yếm, Đồi chè Mộc Châu…
Các món ăn ngon tại Mộc Châu?
- Bê Chao – Thịt bê được xắt thành từng miếng nhỏ, đem ướp sả, gừng, gia vị rồi chao qua dầu sôi. Vì thịt bê còn non nên món ăn mềm, mang vị ngọt, không ngấy, không béo.
- Cải Mèo – Cải mèo Mộc Châu chỉ có vào mùa đông và mùa xuân. Thứ cải này vốn được bà con ở đây trồng tự nhiên quanh các nương, rẫy để phục vụ nhu cầu của gia đình và thết đãi khách khứa.
- Cá suối Mộc Châu – Những chú cá suối Mộc Châu tròn lẳn, miệng cũng tròn vo. Có con bé xíu như ngón tay út, có con nhỉnh hơn hai ngón tay. Cá được rửa sạch rồi cho lên chảo chiên giòn, khi ăn có thể nhai cả thịt lẫn xương cá.
- Cá hồi Mộc Châu – Với vị ngon đậm đà, thịt có màu hồng đẹp, giá trị dinh dưỡng cao, cá hồi đang là món ăn sang trọng của du khách khi đến với Mộc châu.
- Ngoài ra còn có: Khoai sọ Mán Mộc Châu, Su su Mộc Châu, Dâu Tây Mộc Châu, Chè Mộc Châu, Các sản phẩm làm từ sữa bò Mộc Châu,….
4. Mai Châu (Hòa Bình)
Cách không quá xa thị trấn Mộc Châu, bạn chỉ cần đi theo hướng quốc lộ 6 sẽ đến được thị trấn Mai Châu thuộc tỉnh Hòa Bình.
Tuy không có nhiều điểm đến thú vị như “người hàng xóm” Mộc Châu, nhưng thung lũng Mai Châu với bản sắc riêng của mình vẫn thu hút nhiều khách du lịch và phượt thủ. Vẻ đẹp thơ mộng, văn hóa đa dạng, không khí trong lành mát mẻ và nét ẩm thực đặc trưng đã mang đến cho Mai Châu trở thành một trong những điểm đến khiến người ta không thể cưỡng lại mỗi dịp cuối hè trở đi.
Nên đi Mai Châu vào thời gian nào?
- Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, đi mùa này sẽ không sợ trùng vào mùa mưa của miền Bắc, hạn chế gặp phải cảnh sạt lở thường thấy trên trục Quốc lộ 6. Nếu muốn tranh thủ đi ngắm hoa mận, hoa đào thì khoảng thời gian từ tháng 1-2 hàng năm sẽ khá hợp lý.
- Dịp cao điểm nắng nóng của miền Bắc vào khoảng tháng 7-8, quãng thời gian này có thể lên Mai Châu vào mỗi dịp cuối tuần để nghỉ mát, tránh cái oi bức kinh hoàng của Hà Nội.
Các món ăn ngon ở Mai Châu?
- Cơm lam Mai Châu – Nguyên liệu làm cơm lam bao gồm gạo, ống nứa (tre), lá chuối. Ngoài ra có thể còn có dừa nạo, nước cốt dừa, vừng trộn lẫn gạo trước khi nướng.
- Gà nướng – Gà được tẩm ướp bằng các gia vị độc đáo của người Thái rồi dùng kẹp tre hoặc kẹp sắt để nướng trên than hồng. Món gà rất hợp ăn cùng xôi nếp hoặc cơm lam.
- Cá suối nướng – Cá được hơ nướng trên than hồng chuyển từ màu trắng sang vàng, mùi thơm lựng. Món cá suối ăn với xôi nếp 3 màu và chấm với chẩm chéo thì ngon tuyệt vời.
- Thịt lợn xiên nướng – thịt được xiên que và đem nướng cho tới khi chảy hết mỡ ngấy, vàng ruộm, dậy mùi thơm.
- Ngoài ra còn có: Xôi nếp Mai Châu, Rau cải mèo Mai Châu, Thịt trâu gác bếp, Nhộng ong rừng rang măng chua, Rượu Mai Hạ, Thịt ướp chua, Món cá suối ướp chua, Ve sầu chiên, Nước lá phao, Món rau xôi nộm tổng hợp,…
5. Sapa (Lào Cai)
Tọa lạc ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Sapa là thị trấn thơ mộng ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Với quang cảnh núi non hùng vĩ, hứa hẹn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm độc đáo, thị trấn trong mây trở thành một điểm đến làm nao lòng dân phượt khắp nơi.
Là một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, Sapa là sự kết hợp giữa phong cảnh thiên nhiên và sức sáng tạo của con người. Địa địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng, như bức tranh sơn dầu với nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn. Đứng từ trung tâm thành phố, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn màu xanh của rừng hùng vĩ và cả những bản làng ẩn hiện trong sương mờ tan.
Đến Sapa, du khách sẽ có cơ hội chinh phục nóc nhà Đông Dương – đỉnh Fansipan nổi tiếng hay đặt chân đến những bản làng nhấp nhô ẩn hiện trong sương. Cảnh sắc núi rừng hùng vĩ với trăm hoa đua nở chắc chắn sẽ làm nao lòng du khách khi đã đặt chân đến nơi này.
Du lịch Sapa mùa nào đẹp nhất?
Sapa là nơi quanh năm có khí hậu mát mẻ, tuy nhiên, thời điểm thích hợp để đi du lịch Sapa là từ tháng 3 đến 5 hoặc từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.
- Tháng 3 – tháng 5 là thời điểm bừng nở của nhiều loài hoa đẹp, và cũng là lúc đồng bào dân tộc cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang.
- Còn thời điểm tháng 9 – 10 là mùa lúa chín – khi mà mọi nơi ở đây đều được nhuộm ánh vàng rực rỡ.
- Thời điểm lạnh nhất ở Sapa là khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 2. Giữa những ngày này, Sapa có thể xuất hiện băng và đôi khi có tuyết rơi. Đây cũng là thời gian nở rộ của hoa đào và hoa mận.
Ăn gì khi du lịch Sapa?
- Cá hồi, cá tầm tươi – Cách chế biến cá hồi/ cá tầm có thể thái lát để trộn gỏi hay nướng. Còn gì bằng trong cái không khí lạnh của Sapa, bạn ngồi thưởng thức một nồi lẩu cá hồi/cá tầm nóng hổi ăn cùng các loại rau tươi.
- Rau tươi xứ lạnh – Sapa là xứ sở của các loại rau đặc trưng vùng ôn đới như súp lơ trắng, hoa lơ xanh, củ cảnh đỏ, su su,..
- Lợn cắp nách – Lợn cắp nách là món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc người Mông. Những chú lợn chỉ nặng chừng 4 – 5kg được làm sạch, tẩm ướp rồi để nguyên con mà nướng hoặc quay.
- Thắng cố – Với những người dân tộc, thắng cố thưởng nấu chung với các loại thịt trâu, thịt bò, thịt lợn,… Thắng cố ngon cần đến 27 loại gia vị khác nhau như quế, hồi, lá thơm,… và các rau rừng là nguyên liệu quan trọng thứ hai của món thắng cố.
6. Hang Tiên Sơn (Lai Châu)
Một trong 10 điểm đến Tây Bắc không thể bỏ qua khi đi du lịch là hang Tiên Sơn. Địa điểm này được kiến tạo từ một dạng đá vôi carxto hàng triệu năm. Trong động có 36 cung khác nhau, nối tiếp qua 2 sườn núi và càng vào sâu thì không gian càng được mở rộng. Khi vào sâu trong động bạn sẽ nhìn thấy một không gian trong lành, rộng lớn.
Nói đến quần thể động là nói đến một chuỗi liên hoàn có tên động xưa là “Đà Đón” hiểu theo tiếng phổ thông là Hang Đá Trắng vì ngay cửa động có vách đá màu trắng, động gồm 49 khoang (49 cung) nối tiếp nhau chạy dài thông qua hai sườn núi, càng đi vào sâu thì cung càng lớn, trong động có nhiều thạch nhũ với những hình thù khác nhau, điều đặc biệt là trong động có dòng suối trong vắt chảy qua, uốn lượn quanh trong lòng động tạo cho du khách cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, thoải mái.
Đi du lịch Lai Châu vào thời gian nào?
- Ở Lai Châu cũng có một biển mây nho nhỏ ở Sìn Hồ, không hoành tráng như ở Tà Xùa hay Y Tý nhưng cũng rất tuyệt, các bạn có thể đến Tà Xùa vào khoảng tháng 3-4, nếu may mắn sẽ gặp được biển mây này.
- Các bạn nên tránh đi vào mùa mưa của Tây Bắc nhất là những dịp có bão hay áp thấp nhiệt đới gây mưa bởi lúc này các tuyến đường Tây Bắc thường xuyên rơi vào tình trạng bị sạt lở đất, nước lũ trên các sông suối cũng dâng cao rất nguy hiểm.
7. Đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu)
Đèo Ô Quy Hồ nằm ở độ cao hơn 2000m, giữa mây núi ngút ngàn cung đường đèo hiện ra thật mềm mại, trải dài như dải lụa uốn mình sát bên những vách núi dựng đứng. Ô Quy Hồ được mệnh danh là con đèo hùng vĩ bậc nhất ở Tây Bắc .
Tây Bắc biết đến như một chặng đường mang nhiều cảm xúc, với đặc điểm là núi non hiểm trở thì những con đường đèo chính là điểm nhấn cho sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Một trong những cung đường đèo hiểm trở bậc nhất của núi rừng Tây Bắc không thể không kể đến đèo Ô Quý Hồ.
Đèo Ô Quý Hồ nối liền 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai, nơi có đỉnh Fansipan huyền thoại. Nằm ở độ cao hơn 2000m giữa mây núi ngút ngàn, cung đường đèo hiện ra mềm mại, trải dài như dải lụa uốn mình sát những vách núi dựng đứng. Đèo Ô Quy Hồ còn có tên gọi là đèo Hoàng Liên, Đèo Hoàng Liên Sơn do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ, nhưng ít ai biết rõ xuất sứ cái tên “Ô Quý Hồ”. Ô Quý Hồ chính là tiếng kêu da diết của một loài chim mỗi khi hoàng hôn rơi trên đỉnh núi và ẩn sau tiếng kêu ấy là một câu chuyện tình yêu không thành của đôi trai gái.
Ngoài con đường mê hoặc bởi những khúc cua tay áo liên tục, Ô Quý Hồ còn hấp dẫn ở sự khác biệt rất lớn về nhiệt độ ở hai phía của con đèo. Nếu du khách đang chịu cái nóng ấm hơi khô của sườn Tây dãy Hoàng Liên (thuộc địa phận Lai Châu) thì sẽ ngạc nhiên thích thú khi vượt qua đỉnh đèo Cổng Trời của Ô Quý Hồ để đón nhận hơi gió lúc nào cũng ẩm và mát lạnh bên phía Sapa (Lào Cai).
Đứng trên đỉnh đèo hùng vĩ, cảnh sắc thiên thiên của đại ngàn được thu trọn vào tầm nhìn của du khách, khí hậu trong lành mang lại cho ta cảm giác thật dễ chịu. Đến Ô Quý Hồ vào mùa đông, nếu may mắn ta có thể được chiêm ngưỡng một cảnh tượng hiếm gặp ở Việt Nam đó là những bông tuyết và hiện tượng băng đá. Những giọt nước đọng lại trên những cành cây, bông hoa bị đóng băng tạo nên hình ảnh thật đẹp và độc đáo. Ở nơi cao hơn, ta có thể thấy được trên nền đất màu trắng xóa của những bông tuyết và bắt gặp hình ảnh của những đứa trẻ, các cặp tình nhân đang thích thú nô đùa cùng nhau và quên đi cái giá rét khắc nhiệt của thời tiết.
Đèo bên phía Lào Cai thì luôn mù sương, còn bên phía Lai Châu thì lại nắng ấm; mùa đông có băng tuyết, mùa hạ có mây bao phủ bồng bềnh đã tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Đứng trên đỉnh đèo, cảnh sắc thiên thiên của đại ngàn được thu trọn vào tầm nhìn của du khách, với khí hậu trong lành sẽ mang lại cảm giác thật dễ chịu.
8. Đèo Pha Đin (Điện Biên)
Trong hành trình du lịch Tây Bắc, du khách không thể bỏ qua con đèo Pha Đin huyền thoại thuộc tỉnh Sơn La và một phần tỉnh Điện Biên. Đèo Pha Đin nổi tiếng đẹp và nguy hiểm với con đường đèo liên tục có những cua dốc dựng đứng và cua tay áo suốt chiều dài 32km. Trên lưng chừng đèo Pha Đin thường nhiều mây bao phủ, dưới chân đèo là lác đác những bản làng.
Đứng trên dốc đèo bên phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống, du khách sẽ thấy được thung lũng Mường Quài trải rộng ngút ngàn màu xanh của đồi núi, và thấp thoáng những làng bản đầu tiên. Nhưng khi lên đến gần đỉnh đèo thì hầu như không còn thấy bản làng nào nữa mà chỉ còn lại nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ hòa quyện làm một.
9. Đèo Khau Phạ
Đèo Khau Phạ nằm ở khu vực Mù Căng Chải của tỉnh Yên Bái. Với 30 cây số vòng vèo uốn lượn, chỗ cao nhất của đỉnh nằm ở độ cao 1.200m sẽ cho du khách chạm tới “linh hồn” của Khau Phạ huyền bí. Chính là mây trời trắng xoá và đặc quánh bám quanh, ôm ấp lấy những đỉnh núi, hàng cây, hoa lá.
Nơi đây, đất trời như hoà làm một, cùng với âm hưởng khèn Mông vang đâu đây như khiến du khách lạc vào xứ sở thần tiên.
Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa, khoảng tháng 9 tháng 10, khi lúa trên những ruộng bậc thang chín vàng. Đây là thời điểm du lịch Tây Bắc được nhiều khách du lịch lựa chọn để chinh phục đèo và thưởng ngoạn cảnh. Trong rừng vẫn còn lưu giữ và bảo tồn nhiều loại động, thực vật quý hiếm.
Nên đi du lịch đèo Khau Phạ vào thời điểm nào trong năm?
Do nằm ở độ cao 1200m so với mực nước biển nên thời tiết tại đèo Khau Phạ quanh năm luôn mát mẻ. Mùa đông tại đây rất lạnh và thường xuyên có băng tuyết.
Thời điểm lý tưởng nhất để chinh phục con đèo này là vào khoảng thời gian tháng 9, tháng 10 hàng năm. Đây là lúc mà những ruộng lúa bậc thang bắt đầu chín vàng. Rất đông những bạn trẻ đến để có cơ hội chinh phục đèo Khau Phạ trong thời gian này. Ngoài ra bạn cũng có thể đến đèo Khau Phạ vào khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm.
10. Hoàng Su Phì (Hà Giang)
Hoàng Su Phì là huyện vùng cao nằm ở phía Tây của Hà Giang. Do nằm trên cung đường nối liền các vùng phía Đông và Tây Bắc, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ cùng các nét văn hóa độc đáo được cộng đồng người dân ở đây bảo tồn và lưu giữ nên du lịch Hoàng Su Phì có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là du lịch sinh thái cộng đồng.
Đến với Hoàng Su Phì, vượt qua cổng trời Km17 tuyến đường Bắc Quang – Hoàng Su Phì, điều đầu tiên gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách đó là không gian mênh mang mở ra trước mắt với những dãy núi trùng điệp của dãy Tây Côn Lĩnh ẩn mình trong sương, những cánh rừng nguyên sinh nằm sen kẽ giữa những nhánh sông suối đầu nguồn sông Chảy và sông Bạc, nương chè san tuyết cổ thụ, những thửa ruộng bậc thang bạt ngàn trên các sườn núi.
Du lịch Hoàng Su Phì vào mùa nào?
Là huyện vùng cao, địa hình chia cắt mạnh nên Hoàng Su Phì có nhiều tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng và cảnh quan thiên nhiên khác nhau. Vì vậy khi đến du lịch Hoàng Su Phì, các bạn có thể tham khảo và lựa chọn các chuyến du lịch cho phù hợp.
- Mùa xuân là thời điểm các lễ hội độc đáo của Hoàng Su Phì được tổ chức. Dịp này cũng là mùa chụp ảnh các vườn đào, lê, đồi chè.
- Khoảng từ giữa tháng 4 đến tháng 6 là mùa cấy lúa. Đến Hoàng Su Phì dịp này sẽ được chiêm ngưỡng thắng cảnh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì trong mùa nước đổ.
- Từ giữa tháng 9 hàng năm là bắt đầu vào mùa lúa chín các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nói riêng. Tầm này đi Hoàng Su Phì là thích nhất, tha hồ chụp ảnh ruộng bậc thang trải dài ngút ngàn trên các sườn núi.
- Cuối năm, khi bước sang mùa đông miền Bắc. Nếu không ngại cái lạnh, các bạn có thể lên Hoàng Su Phì khám phá Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi để săn mây, săn tuyết.
Các món ăn ngon và đặc sản Hoàng Su Phì?
- Cơm lam – Chừng trên dưới một tiếng sau (tuỳ theo ống cơm to hay bé), mùi cơm nếp toả ra thơm lừng, ấy là dấu hiệu cơm đã chín.
- Cá chép ruộng – đến Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín du khách còn bị níu chân bằng món ẩm thực vô cùng thú vị, đậm chất quê: Cá chép ruộng bậc thang.
- Cốm nếp Hoàng Su Phì – Nguyên liệu là lúa nếp non, hạt chỉ vừa mới cứng. Hạt nếp sau khi giã được sàng đãi vỏ xong là ăn được, gói lá chuối để giữ hương vị thơm ngon và lâu hơn.
- Ngoài ra còn có: Thịt chuột, Thịt dê, Thắng Cố, Thịt trâu gác bếp, Rượu thóc Nàng Đôn, Trà shan tuyết Fìn Hò, Mận đỏ Hoàng Su Phì,….
Nguồn: cungphuot.info