Là một trong những làng nghề truyền thống có tiếng tại Hải Dương, Làng chạm khắc gỗ Đông Giao nằm ở Lương Điền, Cẩm Giàng nổi tiếng với sự tay nghề cao và kinh nghiệm được truyền qua các thế hệ nơi đây.
Đông Giao thời Lê là một xã trong số 7 xã của tổng Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Cuối thời Nguyễn, Đông Giao vẫn đứng riêng biệt một xã gồm 3 thôn: Sở, Chay và Đông Tiến. Năm 1948, do chủ trương thực hiện liên xã của tỉnh, Đông Giao hợp với các thôn Bến, Thái Lai, Bái Dương, Ải, Bối Tượng, Lường Xá, Đông Khê, Cầu Dốc thành xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Làng nghề truyền thống hơn 300 năm
Tương truyền, nghề chạm khắc gỗ ở Đông Giao đã có trên 300 năm. Xưa, người thợ Đông Giao nổi tiếng với các sản phẩm đồ thờ như ban thờ, nghi môn, hoành phi, câu đối… Các sản phẩm ấy được người dân các tỉnh thành lân cận rất ưa dùng. Ngoài ra, đôi bàn tay tài hoa của người thợ Đông Giao còn in dấu ở rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng trên khắp mọi miền đất nước. Vì thế, cho đến nay, người Đông Giao vẫn còn tự hào mỗi khi nhắc đến công lao của những người thợ tài hoa quê mình trong việc xây dựng Kinh thành Huế xưa kia.
Theo thần tích của làng, vào thời Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786), người thợ Đông Giao mà đại diện là cụ Vũ Xuân Ngôn đã có mặt tại Huế để tham gia xây dựng công trình cho triều đại phong kiến. Đến nay, ở Huế vẫn còn 1 làng của những người thợ Đông Giao xưa mang tên Đông Tiến và vẫn giữ được cái nghề mà cha ông họ truyền lại.
Thợ Đông Giao có sự khéo léo, thông minh với bản chất cần cù chịu khó nên qua thời gian, họ đã không ngừng sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề. Đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay họ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo nên những sản phẩm chạm khắc gỗ vô cùng phong phú đa dạng.
Nếu như trước đây là đồ gia dụng và đồ thờ cúng thì nay người thợ sản xuất cả những sản phẩm mỹ thuật nội thất mang phong cách phương Nam như tủ chùa, sa lông, gạt tàn thuốc lá, con giống trang trí các loại… Đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu ra các nước phải được thể hiện trau chuốt hơn, đa dạng hơn theo yêu cầu khách hàng.
Chạm khắc gỗ là một nghề thủ công đặc biệt, không đơn thuần mang ý nghĩa về giá trị kinh tế mà nó còn là một nghề mang nặng giá trị văn hoá – nghệ thuật, vì qua đó nghệ nhân đã khắc hoạ được khát vọng của con người, tư duy con người và sự cảm nhận nghệ thuật của con người. Đồng thời qua đó đã lưu lại được những sắc thái văn hoá quê hương, bản sắc văn hoá dân tộc nói chung và cũng qua đó, thể hiện được cái riêng của nền văn minh phương Đông.
Sản phẩm chạm khắc gỗ Đông Giao hội tụ, kết tinh những giá trị tinh tuý nhất của các yếu tố văn hoá mà người thợ Đông Giao đã gửi gắm vào đó. Vì vậy, với thị trường, sản phẩm chạm khắc gỗ Đông Giao là cầu nối, là hạt nhân tạo nên mối quan hệ biện chứng tất yếu giữa kinh tế – văn hoá và phát triển. Trong nhiều nguyên nhân để Đông Giao tồn tại đến ngày nay thì sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm chạm khắc gỗ giữ vai trò cốt yếu.
Tài nghệ chạm khắc của nghệ nhân nơi đây là điều mà không ai có thể phủ nhận với sự khéo léo, tỉ mỉ, chỉnh chu đã làm nên tên tuổi nơi này. Tên tuổi và chỗ đứng của Làng chạm khắc gỗ Đông Giao ngày càng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế và những thiết bị vào máy móc cũng được đưa vào sắn xuất để kịp đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên những tác phẩm vẫn giữ được cái hồn chứ không bị mất di khiến những ai đã được chiêm ngưỡng sản phẩm nơi đây đều phải kính nể.
Không chỉ đơn thuần là một làng nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng, mà Đông Giao còn là một làng quê có truyền thống văn hiến lâu đời. Đây chính là yếu tố đặc biệt vì người Đông Giao vừa giỏi nghề lại cần cù chịu thương chịu khó. Đông Giao có những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể rất phong phú, đa dạng với hệ thống di tích lịch sử văn hoá như đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ, với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội… Đó là sự hội tụ tâm hồn trí tuệ của biết bao thế hệ người dân Đông Giao bồi đắp, giữ gìn và phát triển từ khi làng được thành lập đến nay.
Nguồn: Internet