Làng cổ Đường Lâm là một làng cổ lâu đời mang rất nhiều nét văn hóa đặc sắc. Cho tới ngày nay, ngôi làng vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản của một ngôi làng xưa với đình làng, cây đa, bến nước, chùa miếu… Có thể nói, giá trị nghệ thuật ở nơi đây đã khiến cho Đường Lâm đã trở thành một điểm nhấn khi du lịch Hà Nội. Vậy thì làng cổ Đường Lâm ở đâu nhỉ?
Cánh cổng làng với gần 100 năm tuổi.
Làng cổ Đường Lâm ở đâu?
Làng cổ Đường Lâm nằm cách 44 km về phía tây của trung tâm thành phố Hà Nội, thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Tuy thường được gọi là làng cổ nhưng thực ra Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi. Nơi đây còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Lối kiến trúc cổ kính của Cổng làng Mông Phụ.
Chúng tớ tới làng cổ vào một ngày mưa tháng Giêng, trời khá rét nhưng vì tò mò về ngôi làng này đã lâu nên 3 đứa vẫn quyết tâm đi. Sau hơn 1 tiếng vừa đi vừa hỏi đường, cuối cùng chúng tới cũng đã tới được điểm đến. Việc đầu tiên là chúng tớ gửi xe và mua vé vào làng. Hiện nay giá vé gửi xe máy là 10.000 VND / xe và vé tham quan là 20.000 VND / người. Các bạn cũng có thể thuê xe đạp với giá 30-50.000 VND / giờ hoặc 80-100.000 VND / ngày. Còn chúng tớ thì chọn cách đi bộ để có thể cảm nhận được ngôi làng này sâu hơn.
Bản đồ và vé tham quan làng cổ Đường Lâm.
Ngay đầu tiên là cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào năm 1833 với kiến trúc vòm và lớp đá ong tổ bên cạnh cây đa hơn 300 năm tuổi tạo nên một cảnh quan thực sự thanh bình và cổ kính. Ngôi làng này được gọi là làng đá ong. Đi tới đâu các bạn cũng có thể thấy những ngôi nhà được xây dựng bằng loại đá này.
Con đường gạch vào làng.
Khi xưa, người dân ở đây xây dựng nhà, họ đã đào lên những lớp đá ong dưới lòng đất để xây nên những ngôi nhà cổ như ngày nay. Bước qua cổng làng, chúng tớ bị cuốn theo vẻ thanh bình, cổ kính ở nơi đây. Dưới chân đi là những con đường lát gạch sạch sẽ, hai bên là những bức tường đá ong màu vàng sậm, làm cho chúng tớ cảm thấy được sự ấm cúng và những nét đẹp rất riêng mà không nơi đâu có được.
Em nhỏ đi học về.
Quán nước ven Đình Làng.
Những con đường được lát gạch.
Nhà cổ bà Điền
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tớ là nhà cổ Bà Điền. Ngay khi vừa bước vào, một lối kiến trúc cổ xưa đã hiện ra ngay trước mắt. Ngôi nhà này đã có tuổi đời 200 năm. Ở sân nhà, bà cụ là cháu của bà Điền đã ngồi ngay đó để có thể tiếp đón những du khách muốn tìm hiểu về ngôi nhà này. Cụ năm nay đã 93 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, nói chuyện và chia sẻ với chúng tớ về những giá trị lịch sử của ngôi nhà này.
Điểm tham quan nhà cổ.
Lối kiến trúc xưa tại nhà cổ Bà Điền.
Không thể thiếu được những món đặc sản để mời du khách, đó chính là nước vối và chè Lam truyền thống. Ngày mưa và lạnh, được uống chén trà nóng và thưởng thức đặc sản ngay tại nơi đây, không còn gì tuyệt vời hơn. Ngôi nhà truyền thống với 3 gian theo lối kiến trúc Bắc Bộ xưa, bàn thờ được đặt chính giữa hướng ra phía cửa, ngoài sân là những vườn hoa cùng những chum rượu đã rất lâu đời.
Đặc sản chè lam và nước vối.
Sân nhà xen kẽ hoa, chum rượu và nhà ngang.
Đình làng Mông Phụ
Sau khi trò chuyện và tham quan một hồi lâu, chúng tớ rời nhà bà Điền để tiếp tục đi sâu vào trong làng. Cách đó không xa, ngay giữa làng chính là Đình Làng Mông Phụ. Ngôi đình đã được xây dựng cách đây 380 năm, rộng 1800m2, mang đậm nét kiến trúc Việt – Mường, mô phỏng kiến trúc của nhà sàn với sàn gỗ cách đất. Phía bên trong đình có treo rất nhiều hoành phi câu đối nổi bật.
Cổng Đình làng Mông Phụ.
Nhà Đại Bái.
Tại đây chúng tớ được cụ Phan Văn Tích kể lại rằng những tác phẩm điêu khắc độc đáo, tinh vi trong đình là của cụ Mục Hùng – một người thợ cả tài hoa, có bộ óc sáng tạo và có đôi bàn tay vàng, ông đã có công trực tiếp vẽ mẫu và hướng dẫn nhóm thợ mộc làng Mía xây dựng ngôi Đình này. Có thể nói, đình Mông Phụ chính là tinh hoa của kiến trúc Việt, tạo nên một ngôi Đình không giống với bất kỳ ngôi Đình ở nơi nào khác.
Nhà cổ ông Hùng
Khi đang trên đường loay hoay để tìm nhà cổ ông Hùng, may mắn thay chúng tớ gặp được một bác bảo vệ, người trông giữ nhà thờ dẫn đi. Trên đường bác có nói rất nhiều về lịch sử của làng cổ này và khi tới đây không thể không tới ghé thăm nhà ông Hùng, ngôi nhà lâu đời nhất làng Mông Phụ. Ngôi nhà này đã được xây dựng từ năm 1649, cho tới nay đã gần 400 năm với 12 đời sinh sống ở đây.
Trước cửa nhà với những nét cổ xưa.
Trời mưa lất phất.
Ngay khi tới cổng, chúng tớ đã được nhìn thấy chiếc cổng cổ được xây bằng chất liệu đất đá, bã chấu, bùn để tạo chất kết dính. Ngôi nhà được kết cấu theo kiểu 5 gian 2 dĩ, 3 gian giữa là nơi để thờ cúng tổ tiên bên cạnh bài trí là bộ trường kỷ dùng để tiếp khách, 2 gian bên cạnh dùng làm phòng để ngủ, hệ thống cửa cánh phố ở chính giữa ngôi nhà. Phía bên ngoài sân là những vườn cây, khóm hoa, chum rượu đặc trưng tạo nên một khung cảnh rất yên bình. Cho tới nay, ngôi nhà vẫn được bảo tồn hầu như nguyên vẹn những nét tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc Việt.
Du khách Tây tìm hiểu về ngôi nhà cổ.
Nơi đây cũng là nơi sản xuất chè Lam truyền thống.
Nhà cổ ông Thể
Ngay sau khi thăm và tìm hiểu nhà ông Hùng, chúng tớ được bác bảo vệ dẫn tới nhà ông Thể, một ngôi nhà cũng đã có tuổi đời từ rất lâu rồi. Tọa lạc tại xóm Xui, thôn Mông Phụ, ngôi nhà của ông Thể gồm 7 gian được gắn kết theo lối cổ truyền. Căn nhà được xây dựng hoàn toàn dùng mộng, không sử dụng đinh sắt.
Nhà ngang với lối kiến trúc đặc trưng.
Khung cảnh bình yên nơi sân vườn.
Ngôi nhà nay đã trải qua 14 đời sinh sống ở đây và đặc biệt nổi tiếng với nghề làm tương. Ngay khi bước chân vào sân nhà, đã có một mùi tương rất thơm phảng phất, cùng với đó là những chum tương được xếp san sát nhau ở sân. Ở gian nhà ngang phía xa là những dụng cụ để xay ngô cùng với những khóm ngô được treo lên thanh ngang hệt như ngôi nhà trên vùng núi Bắc Bộ.
Những chum tương truyền thống.
Khi đến đây, chúng tớ không thể cưỡng lại được mùi vị đặc trưng của loại tương gạo này và mua mỗi người một chai về để thưởng thức. Ngoài ra cũng có rất nhiều chum đựng rượu truyền thống và những loại rượu hạ thổ đã rất lâu đời rồi. Có lẽ, đây là căn nhà mà chúng tớ cảm thấy thích thú nhất khi tới ngôi làng này.
Các bạn có thể mua tương và rượu về làm quà.
Những loại kẹo truyền thống.
Nhà thờ giáo họ Mông Phụ
Tới làng Đường Lâm rồi, người ta không thể không nhắc tới nhà thờ giáo họ Mông Phụ. Con đường hẹp dẫn vào nhà thờ với nhiều ngã rẽ đến khó tìm, may sao có bác bảo vệ dẫn đường. Nhà thờ ở giáo họ Mông Phụ nổi bật giữa hàng trăm mái nhà cổ từ trên cao nhìn xuống.
Cổng nhà thờ giáo họ Mông Phụ.
Bác bảo vệ nhà thờ cùng với những du khách.
Ngôi nhà thờ mới hơn so với những ngôi nhà cổ thuần Việt, nét đạo chưa thể sánh với nét cổ đi cùng năm tháng của Đường Lâm nhưng khi nói về lịch sử công giáo ở Việt Nam thì Mông Phụ quả thực đáng được khen ngợi. Có thể chính do cái cổ của Đường Lâm đã làm nên cái cổ của họ Đạo này.