Khu vực phía bắc Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều núi non hùng vĩ. Bên cạnh đó, với bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, con người nơi đây đã tạo dựng thêm nhiều công trình kiến trúc. Tất cả hòa quyện cùng nhau tạo nên những cảnh quan ấn tượng, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, núi Yên Tử là một trong số đó.
Núi Yên Tử ở đâu?
Núi Yên Tử nằm ở khu vực ranh giới của tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang. Tổng chiều cao của núi Yên Tử là 1068m so với mực nước biển, thuộc dãy núi Đông Triều. Hệ sinh thái động thực vật trên núi Yên Tử vô cùng phát triển. Để đến với các địa điểm trên núi Yên Tử du khách có hai lựa chọn đó là đi bộ hoặc đi cáp treo.
Núi Yên Tử còn được biết đến là một địa điểm du lịch tâm linh vô cùng nổi tiếng với hệ thống các di tích lâu đời. Đến đây, du khách không chỉ được khám phá thiên nhiên tươi đẹp mà còn được hòa mình vào một không gian linh thiêng. Giúp bạn giải tỏa được nhiều áp lực và căng thẳng trong cuộc sống thường ngày.
Một thoáng Yên Tử.@mia.vn
Thời gian lý tưởng để du lịch núi Yên Tử
Khí hậu tại núi Yên Tử có sự phân hóa theo màu khá rõ rệt. Thời gian từ khoảng tháng 4 đến tháng 6 là mùa hè tại đây, thời tiết trên núi khá mát mẻ, trời trong và không có mưa, rất thích hợp cho các hoạt động tham quan ngoài trời.
Đối với những người thích tham gia lễ hội thì có thể đến du lịch núi Yên Tử vào khoảng tháng 1 đến tháng 3 âm lịch hằng năm. Thời điểm này trên núi Yên Tử tổ chức rất nhiều lễ hội hấp dẫn.
Các điểm du lịch trên núi Yên Tử
Chùa Trình
Chùa Trình được xây dựng từ thời Hậu Lê và được đại trùng tu vào năm 1993 và năm 1999 để có được diện mạo như ngày hôm nay. Ngôi chùa này được xem là cửa ngõ trong hành trình khám phá núi Yên Tử của du khách.
Cổng vào chùa Trình.@mia.vn
Tổng thể chùa Trình được xây dựng theo hình chữ nhất (一) bao gồm các công trình như: Tiền đường, Chính điện thờ Phật, Hữu vu thờ Thập Bát La Hán, Tả vu, nhà Tổ thờ Tam Tổ Trúc Lâm, Ban Trần Triều, Tam Vương và Tam Tòa Thánh Mẫu. Chùa Trình hiện nay còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật bằng đồng và gỗ mít được chế tác tinh xảo.
Chùa Đồng
Chùa Đồng trên đỉnh núi Yên Tử có độ cao 1068 mét so với mực nước biển. Đây chính là ngôi chùa được đúc bằng đồng có quy mô lớn nhất tại châu Á. Từ bên ngoài chùa Đồng nhìn xuống bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt vời núi non và mây trời Yên Tử.
Chùa Đồng được đúc theo nguyên mẫu của chùa Dâu Keo, Bắc Ninh. Ngôi chùa có tổng diện tích khoảng 20 mét vuông và nặng 70 tấn. Chùa Đồng có bốn mái lợp ngói mũi hài, các đầu đao được trang trí họa tiết rồng thời Trần. Bên trong chùa Đồng là nơi đặt tượng thờ đức Phật Thích Ca và ba vị Tam Tổ Trúc Lâm ngự trên đài sen.
Chùa Đông trên đỉnh núi Yên Tử.@baohoabinh.com.vn
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử là một trong những tu viện lớn nhất tại Việt Nam và là địa điểm bạn không nên bỏ qua khi đi du lịch núi Yên Tử. Đây là nơi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông xuất gia thành đạo và sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử hiện lên uy nghiêm giữa đất trời vùng Đông Bắc với cổng tam quan được xây dựng hai tầng và tám mái. Khuôn viên thiền viện được chia thành hai phần là nội viện và ngoại viện. Bao gồm các công trình như: Chính điện, Tổ đường, Lầu chuông, Lầu trống, Thiền đường, Trai đường, Thư viện, Nhà trưng bày, Nhà khách tăng, Nhà khách ni, Tháp Phật, Hồ Tĩnh Tâm…
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử nhìn từ xa.@phatgiao.org.vn
Am Ngọa Vân
Am Ngọa Vân nằm ở độ cao khoảng 500 mét so với mực nước biển. Ngôi chùa xây dựng từ thời Trần và đã trải qua nhiều lần trùng tu để có được diện mạo như ngày hôm nay. Vào những buổi sáng khi mây vờn phủ kín, chùa Am Ngọa Vân hiện ra như một chốn bồng lai tiên cảnh.
Có rất nhiều lượt khách đến với chùa Am Ngọa Vân trên núi Yên Tử hằng năm không phải chỉ vì phong cảnh đẹp mà nơi đây cũng là nơi dừng chân cuối cùng của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Bên trong chùa có thờ bức tượng đồng của ngài trong tư thế nhập niết bàn.
Ngôi chùa tựa mình vào núi.@laodong.vn
Tượng An Kỳ Sinh
Trên núi Yên Tử có một pho tượng bằng đá xanh đứng sừng sững, tương truyền đây chính là một sĩ đến từ phương Bắc có tên là An Kỳ Sinh. Nhưng lại có ý kiến cho rằng đây là một vị sư tay lần tràng hạt và hướng mặt về phía Tây. Phía dưới chân tượng An Kỳ Sinh có đặt bệ thờ và bát hương. Rất nhiều người đến đây để cầu xin sự may mắn, sức khỏe và bình an.
Tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Tượng Đức Phật Hoàng nằm trên núi Yên Tử với độ cao khoảng 900m so với mực nước biển. Bức tượng được đúc bằng đồng để tưởng nhớ công ơn xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm và sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh núi.@giacngo.vn
Tượng đồng được đúc theo mẫu tượng Đức Phật Hoàng ở Tháp tổ Huệ Quang. Ngự trên đài sen, tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đang trong tư thế ngồi tĩnh tại, hai tay bắt quyết, thân đắp y, gương mặt hiền từ thoát tục. Bện đá dưới tượng còn được trang trí tinh xảo bằng hoa văn rồng thời Trần và hoa cúc.
Cổng trời bia Phật
Nằm cách tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông không xa, cổng trời bia Phật là một trong những địa điểm bạn không nên bỏ qua khi đi du lịch núi Yên Tử. Tại đây có một phiến đá trầm tích có hình dáng giống như chiếc oản dùng để dâng lên cúng Phật và được gọi là bia Phật.
Ở mặt trước của bia Phật được tạc một hàng chữ Hán viết theo chiều dọc nhưng đã bị thời gian làm phai mờ và không còn rõ chữ. Phía bên dưới còn có một dãy chữ Hán được viết theo hàng ngang được dịch là “Tứ Tự Hồng Danh”.
Tham gia lễ hội Yên Tử
Lễ hội Yên Tử được diễn ra từ mùng 10 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch hằng năm tại núi Yên Tử. Đây chính là dịp mà người dân thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ những công lao của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông và cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Đoàn rước kiệu trong lễ hội Yên Tử.@mia.vn
Lễ hội Yên Tử diễn ra với nhiều hoạt động thu hút rất nhiều lượt khách du lịch đổ về đây. Bắt đầu với các nghi thức long trọng dưới chân núi Yên Tử. Tiếp theo đó là cuộc hành hương lên chùa Đồng trên đỉnh núi. Đoàn rước kiệu trong lễ hội Yên Tử mặc các trang phục truyền thống, đi cùng cờ hoa vô cùng náo nhiệt.