Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, hay còn gọi là Bảo tàng Lịch sử Hồ Chí Minh, được thành lập ngày 23 tháng 8 năm 1979. Đây là nơi thu thập và bảo tồn những di sản văn hóa dân tộc đặc sắc của dân tộc ta từ thời vua Hùng dựng nước. Nằm ngay trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngay tại trung tâm Quận 1, không chỉ những hiện vật được trưng bày bên trong bảo tàng, tòa nhà nói riêng thôi cũng là một di sản quý giá và là một địa điểm không thể không ghé qua một lần trong đời.
Nếu chưa có dịp đến thăm thì tạm thời hôm nay hãy cùng chúng tớ dạo một vòng sơ bộ quanh Bảo tàng qua bài viết này nhé.
Không gian thơ mộng cho một đời sống ảo
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nằm bên trong sở thú về phía bên trái và đối diện với Đền thờ Vua Hùng. Trước bảo tàng là một khoảng sân rộng và luôn lộng gió. Cả tòa nhà được xây theo lối kiến trúc Đông Dương cổ, với những mái ngói ống, có gắn vật trang trí hình phụng, hình rồng cách điệu.
Bảo tàng từng là điều duy nhất tồn tại độc lập giữa một khu rừng lớn mà sau này được xây dựng thành Thảo Cầm Viên. Đến bây giờ thì khuôn viên của bảo tàng vẫn giữ được không gian mở cực tươi mát này. Cộng thêm với chút rêu phong lại càng tăng thêm vẻ cuốn hút.
Lối hướng vào cửa chính bảo tàng.
Cổng chính vào thăm quan bảo tàng mang nét cổ xưa, hai phía bên dưới bậc thềm cầu thang trước khi vào sảnh là hai chậu cây bonsai và hai hàng cây tỏa dài trông rất bắt mắt. Các bạn có thể thấy những mái ngói, bậc thềm cầu thang đi lên, những cây cột và các ô cửa số đã rất lâu đời, những bờ tường tuy đã được phục chế lại phần nào nhưng vẫn còn hằn những dấu vết của thời gian.
Nhưng trước khi vào tham quan bên trong thì các bạn đừng nên bỏ qua hai dãy hành lang đối diện nhau tạo thành một lối đi ngay cổng chính. Hai hàng lối đi không được che chắn bởi tầng ngói nào, tạo điều kiện để ta có thể hòa mình vào không gian thoáng đãng của quang cảnh thiên nhiên nơi đây.
Phía hành lang bên phải cổng vào với những chậu kiểng lớn trang trí.
Trang trí dọc dãy hành lang là những chậu cây lớn cách nhau một khoảng rộng, thảng hoặc lại xen vào giữa một vài chậu cây kiểng nhỏ tạo cảm giác lạ mắt cho quang cảnh cực thiên nhiên. Phía hành lang bên trái cổng vào còn có thêm những tờ giấy đã phai bạc màu ghi tên các cổ vật, hình ảnh và câu chuyện lịch sử, tô điểm thêm nét cổ kính của nơi đây. Các bạn hãy tận dụng hai dãy hành lang này để có được những bức ảnh mang đậm chất xưa.
Lối đi bên tay trái với những tờ thông tin phơi mình giữa sương nắng, tạo một khung cảnh cực cổ kính.
À, hãy nhớ tận dụng cả những góc khuất chung quanh bảo tàng nữa nhé. Ví dụ như những ô cửa sổ lâu đời được bố trí dọc các hành lang tạo cảm giác mộc mạc đáng yêu. Ánh nắng chiếu rọi xuyên vào bên trong lối đi sẽ mang lại sự huyền ảo cho các bức ảnh của bạn.
Khung cửa sổ cổ luôn tạo nên một góc chụp đẹp.
Các dãy ghế được bố trí để cho những người thăm quan ngồi nghỉ ngơi sau những giây phút tìm hiểu về lịch sử và trò chuyện với nhau cũng có thể trở thành một góc chụp lý tưởng.
Ngay cả những bức rèm cũng có thể tạo nên một bức hình lạ.
Ở giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là một khoảng sân lộ thiên với một ao cá nhỏ xinh xinh, thích hợp cho bạn nào thích thiên nhiên. Nối liền giữa khoảng không gian này với hai tòa nhà trưng bày là những dãy cầu thang sắt mảnh mai. Với sự kết hợp tính ý giữa tầng cây lá xum xuê xen lẫn từng bậc thang, bạn sẽ có được rất nhiều tấm ảnh ưng ý tại đây đấy!
Lối cầu thang ngoài trời nối các dãy nhà trưng bày với nhau.
Tại sao không tận dụng những góc chụp hữu tình như thế này cho bức ảnh của bạn?
Kho tàng văn hóa đa dạng
Đương nhiên khi đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thì không thể chỉ để chụp hình sống ảo. Bên trong bảo tàng được phân bố thành những khu trưng bày hiện vật theo những chủ đề riêng. Sau nhiều năm thì số hiện vật được trưng bày bên trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phải nói là vô cùng đa dạng và đặc sắc.
Không gian trưng bày sáng sủa.
Sự sắp xếp bố trí của bảo tàng cũng rất thông minh. Mỗi gian phòng là một thời kỳ khác nhau khiến người xem có cảm giác đang được du hành về thời gian, một lần nữa được trải nghiệm lại nước Việt Nam từ thời kỳ tiền sử cho đến hết thời nhà Nguyễn.
Không biết các bạn còn nhớ những bài học lịch sử mà ta đã từng ê a về những phát hiện của dấu tích người Việt đầu tiên không? Những lời giảng về công cụ đá của người tiền sử hay vũ khí ở thời của các vua Hùng? Tất cả bài học lịch sử đều được tái hiện vô cùng sinh động tại bảo tàng, với các hiện vật được lưu trữ cẩn thận trong những ngăn tủ kính.
Các hiện vật được trưng bày và chú thích kỹ lưỡng phía sau tủ kính tại bảo tàng.
Bên cạnh mỗi hiện vật là những chú thích vô cùng chi tiết, giúp người đến tham quan cảm thấy thích thú khi tìm hiểu về lịch sử cội nguồn của những đồ vật cổ xưa này. Qua đó mà ta hiểu thêm về cuộc sống của người dân nước ta ở nhiều nhiều năm về trước.
Hiện vật được trưng bày không chỉ thể hiện quá trình lịch sử phát triển mà còn tô đậm nét văn hóa của Việt Nam. Một số khu vực trưng bày những bộ xiêm y sặc sỡ và nhạc cụ truyền thống của các dân tộc, tạo thành một dải rực rỡ màu sắc.
Phòng trưng bày trang phục và nhạc cụ truyền thống.
Có rất nhiều loại nhạc cụ được thu thập từ nhiều dân tộc khác nhau của nước ta và được trưng bày ở đây.
Tương phản với nét vui tươi đầy sức sống là khu vực trưng bày xác chết. Đúng là khi đi ngang qua khu vực đó thì tụi mình không khỏi cảm giác rùng mình, nhưng nếu nhìn tổng thể thì lại thấy hết sức ngưỡng mộ những người đã bố trí trưng bày cho nơi này. Tất cả từng căn phòng trưng bày riêng biệt đan xen lại với nhau tạo thành một bức tranh văn hóa Việt Nam đặc sắc cho ta thấy được toàn cảnh cuộc sống của người dân thời xưa, từ khi họ sinh ra, tới lúc họ trưởng thành, và cả đến khi họ chết đi.
Không chỉ có văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn dành riêng một vài khu vực cho các nền văn hóa của các nước lân cận. Ví dụ như gian phòng trưng bày tượng Phật, với sự khắc họa đa dạng của hình tượng Đức Phật ở những nền văn hóa khác nhau ở khu vực Đông Nam Á.
Phòng trưng bày tượng Phật Đông Nam Á toát lên vẻ uy nghiêm.
Còn ở tầng trên của bảo tàng là nơi thiên về trưng bày mỹ thuật của nền văn hóa Champa. Nơi đây các bạn sẽ thấy những tủ kính được trưng bày các bức tượng chum, lọ và những đồ vật bằng đất nung được tìm thấy từ thời xưa. Không gian chìm đắm trong ánh đèn mờ ảo, biến hiện vật thành trung tâm. Có cảm giác gì đó huyền bí khi tụi mình đi tham quan qua khu vực văn hóa Champa này.
Hướng đi lên “căn phòng Champa”.
Khu vực này cũng được chia thành từng “khối” riêng biệt. Mỗi khối là một bộ sưu tập hiện vật khác nhau.
Đa phần hiện vật ở “căn phòng Champa” đều là những tượng được làm bằng đất nung.
Không gian trưng bày thoáng đáng.
Đi hết bảo tàng, chúng mình tích góp được nhiều thông tin hữu ích về lịch sử và văn hóa.
Chuẩn bị tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Địa chỉ: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1.Gửi xe ở đâu: Các bạn có thể gửi xe ở bãi xe của Sở thú và mua vé tham quan bảo tàng.Giá vé: 15.000 VND nếu bạn có thẻ sinh viên.Thời gian hoạt động: Bảo tàng mở cửa cho khách tham quan vào các ngày trong tuần từ 8:00 tới 17:00 trừ thứ Hai, nghỉ trưa từ 11:30 đến 13:30.
Vé tham quan bảo tàng.
Mau mau đến bảo tàng nào!
Với giá vé không thể nào rẻ hơn và một không gian cực kỳ thơ mộng nhưng cũng vô cùng ảo diệu cho những bạn có nhu cầu sống ảo thì tại sao bạn còn chần chừ không đến tham quan và check-in tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam? Hãy đến và chia sẻ lại trải nghiệm của bạn với tụi mình nhé.
Nguồn: Mèo Du Ký – Traveloka