Hòn Kẽm Đá Dừng là danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, song do địa hình núi non hiểm trở nên đến nay vẫn chưa có nhiều người đặt chân đến được nơi này.
Từ TP. Đà Nẵng theo Quốc lộ 1A vào ngã ba Hương An rồi rẽ hướng thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), chạy sang Quốc lộ 14E về thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức và tiếp tục đi theo hướng tây chừng 15km sẽ thấy vùng núi non trùng điệp của dãy Trường Sơn Đông. Đứng trên cầu Trà Linh nhìn xuôi theo dòng nước lững lờ buông trôi là màu xanh bạt ngàn của Hòn Kẽm. Di chuyển bằng thuyền chỉ chừng hơn chục phút, du khách đã lọt thỏm vào Hòn Kẽm Đá Dừng. Đây là khúc sông nằm giữa hai dãy núi cao chừng 500m, có đoạn dòng rất hẹp bởi hai vách đá với muôn vẻ hình thù kỳ bí nhô hẳn ra như để chắn ngang dòng nước nên có tên gọi Đá Dừng.
Cái tên Hòn Kẽm Đá Dừng có từ lâu đời và nơi đây gắn liền với những truyền thuyết dân gian đậm sắc màu huyền hoặc của núi, của sông, của bao phận người nghèo khó vùng hạ du sông Thu Bồn ngược dòng đi khai hoang, mở đất. Thu Bồn là con sông dài và lớn nhất của tỉnh Quảng Nam, với nhiều tên gọi qua từng chặng, từ phía thượng nguồn là sông Tranh, sông Thiêng rồi sông Thu Bồn, dằng dặc hơn 100km.
Chỉ đoạn sông núi của Hòn Kẽm Đá Dừng mà có nhiều cái tên ẩn chứa bao điều lạ lùng dọc đôi bờ bến bãi: Tứ Nhũ, Bà Thiêng, Đá Bùa, Đá Dựng, Khe Nghiêng, Gành Tiên, Ba Hang, Nước Mắt. Hầu hết những cái tên ấy đều gắn với hiện tượng thiên tạo chẳng hạn như một mỏm đá nham nhở, trên đỉnh phủ dày cây cối xanh um. Nước từ mạch ngầm của Hòn Kẽm cứ theo các kẽ đá nhô ra nhỏ tí tách quanh năm, suốt tháng xuống mặt sông. Chiếc thuyền lướt qua đoạn Hòn Kẽm Đá Dừng, trời lại bừng sáng hơn, phía xa xa có vài chiếc ghe chèo bồng bềnh thả lưới. Từ lâu nghe người ta bảo ở Hòn Kẽm Đá Dừng ngày đến rất chậm và đêm xuống thật nhanh là thế.
Cái tên Đá Bùa ra đời từ một hiện tượng nhân tạo khá đặc biệt. Đó là ngay dưới chân của vách đá Thạch Bích có một văn bia cổ của người Chăm được chạm khắc từ lâu đời luôn ẩn chìm dưới nước. Văn bia gồm hai dòng chữ, mỗi hàng dài 2m, thân chữ cao 0,15m, được tham tá người Pháp của tòa Công sứ Hội An phát hiện năm 1908. Hai hàng chữ của văn tự này được các nhà nghiên cứu khảo cổ cho rằng được khắc vào thế kỷ thứ IV, cùng với các niên đại xây dựng thánh địa Mỹ Sơn, tạm dịch là: “Hoàng đế Parkàcdhama vua nước Chămpa vinh quang muôn năm chúa đất nơi đây xin dâng cúng đấng Siva này”. Hàng năm vào rằm tháng 8, bà con vạn chài các làng mạc vùng thượng nguồn sông Thu Bồn thường mua sắm hương hoa, lễ vật mang tới đặt bên văn bia dâng cúng thần linh, bởi vào thời gian này nước sông thường rút cạn để lộ ra cả hai dòng chữ lạ.
Hòn Kẽm Đá Dừng là bức họa từ thiên nhiên cực kỳ độc đáo của miền sơn cước vùng tây xứ Quảng. Núi đá chót vót nghiêng mình trầm tư soi xuống mặt sông im ắng làm cho cảnh vật núi non nơi đây càng nên thơ mà lại phảng phất đâu đây chút ưu tư. Chính vì vậy mà bao đời nay những đứa con xứ Quảng mỗi khi tâm trạng chênh chao khi nghĩ về các đấng sinh thành, thường nhớ tới câu ca dao: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!/ Thương cha, nhớ mẹ thì về/ Nhược bằng, thương kiểng nhớ quê thì đừng”. Cũng có người bảo câu ca ấy là nỗi niềm, đạo lý của phận làm con mỗi khi nhìn thấy hình bóng sừng sững của Hòn Kẽm Đá Dừng và thế núi, dáng sông đồ sộ ấy được sánh như công cha, nghĩa mẹ./.
Nguồn: Thái Mỹ – CDLQGVN