Bắc Giang là một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích ẩm thực đặc sản. Với sự kết hợp tinh tế giữa hương vị truyền thống và sự sáng tạo hiện đại, các món ăn đặc sản của Bắc Giang không chỉ ngon mà còn đậm chất văn hóa đặc trưng của vùng miền. Du khách sẽ được trải nghiệm những hương vị độc đáo, thú vị và phong phú, đồng thời khám phá sự đa dạng và độc đáo của ẩm thực Việt Nam thông qua những món ăn đặc biệt này.
1. Bánh đa Kế
Bánh đa Kế kích thước to lớn và mầu sắc đặc trưng làm nên sự khác biệt độc đáo này. Nhìn xa những chiếc bánh đa như chiếc nón thúng quai thao của người quan họ, duyên dáng, dịu dàng, đằm thắm tình quê.Bánh đa Kế là món bánh đặc biệt thơm ngon bởi vị bùi, thơm dòn của lạc, vừng, khoai lang hòa quện với thứ gạo ngon của vùng trung du miền núi cùng với bàn tay khéo léo của con người nơi đây đã trở thành thương hiệu của người dân Bắc Giang.
2. Chè Yên Thế
Là huyện có địa hình đồi núi thấp, điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp nên cây chè được trồng trên đất Yên Thế sinh trưởng mạnh, nước chè thơm và ngon.
Ngày nay đa phần chè Yên Thế được sản xuất chè theo quy trình VietGAP, có sự lồng ghép khoa học kỹ thuật với bí quyết hái chè, chế biến, xao, bảo quản, lấy hương của người dân tộc Cao Lan, từ đó tạo ra những sản phẩm chè độc đáo, thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
3. Gà đồi Yên Thế
Bắc Giang là khu vực có địa hình đồi núi thấp. Một số vùng như Yên Thế, Lục Ngạn là nơi nhiều đất sỏi, khó khăn trong việc trồng lúa, cây nông nghiệp. Chính bởi vậy người dân nơi đây đã tận dụng địa hình để thay đổi mô hình trồng cây, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gà Yên Thế có ngoại hình đẹp, hương vị thịt thơm ngon chỉ có gà ở nơi đây mới có. Gà đồi Yên Thế phần lớn được lai tạo từ gà Ri, gà Hồ, gà Đông Cảo và gà Mía – vốn là những giống gà có thân nhỏ nhưng thịt chắc và khỏe mạnh. Đặc điểm nhận dạng của loại gà này là có màu lông đỏ hoặc đen, chân vàng, mào đỏ. Khi ăn, thịt gà thơm chứ không bã, nhạt như món gà công nghiệp. Để thưởng thức món gà đồi ngon nhất chỉ nên luộc chín tới, thịt gà còn chắc, giòn để chấm với muối trộn lá chanh, nước luộc ngọt lịm dùng để ăn kèm với cơm. Công phu hơn thì quay, nướng làm chả gà. Hoặc nếu có điều kiện hơn thì làm món thịt gà hầm thuốc bắc, một vị thuốc quý trong dân gian để chữa các bệnh về dinh dưỡng.
4. Vải thiều Lục Ngạn
Nhắc tới Bắc Giang là người ta nhớ tới vùng đất văn hiến lâu đời, đồng thời cũng là nơi đất lành với nhiều hoa thơm trái ngọt. Trong số các sản vật nổi tiếng không thể không nhắc tới Vải thiều mà đặc biệt hơn là Vải thiều Lục Ngạn.
Bắc Giang với sự hòa hợp giữa đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu với loài cây quả độc đáo này đã tạo ra một thứ quả ngọt thơm lành thậm chí còn thơm ngọt, đậm đà hơn ở nơi nó đã được sinh ra. Quả vải thiều Lục Ngạn có đặc điểm khi chín có màu đỏ, vỏ mỏng, hạt nhỏ cùi dày khi ăn vải thiều có vị ngọt đậm khiến người ăn cứ muốn thưởng thức thêm và muốn mua thật nhiều để làm quà cho người thân. Quả vải Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng trong nước mà giờ đây còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.
5. Bánh hút Lục Ngạn
Về Lục Ngạn, Bắc Giang, du khách có thể thưởng thức món bánh hút thơm ngon, độc đáo. Bánh được làm từ bột gạo nếp, mật mía và rau cải cay (cải xanh). Quy trình làm bánh cũng rất đơn giản và dễ làm.
Rau cải cay rửa sạch giã nhỏ vắt lấy nước, nhào bột gạo nếp với nước lá cải cay sau đó nặn bánh (nặn tròn như bánh trôi), thả bánh vào chảo dầu ăn chiên tới khi vàng đều vớt bánh ra, nhanh tay thả vào nồi mật mía (nồi mật đun nhỏ lửa). Viên bột sẽ tự hút mật căng tròn bên trong. Vớt bánh ra và lăn qua một lớp bột gạo nếp.
Bánh có vị ngọt thơm của mật mía hòa quyện với gạo nếp rất thơm ngon. Người dân nơi đây chỉ làm món bánh này làm quà biếu người thân, với ý nghĩa luôn bao bọc che chở nhau như vỏ bánh, tuy mỏng nhưng không bao giờ để chảy mật ra ngoài.
6. Bánh đúc Đồng Quan
Nếu có ai một lần ghé qua làng Đồng Quan, xã Đồng Sơn, TP. Bắc Giang , tỉnh Bắc Giang, được nếm thử món bánh đúc chấm tương đậm đà, dân dã do chính bàn tay chế biến của những người dân nơi này, chắc hẳn, sẽ chẳng thể nào quên.
Để làm bánh, người Đồng Quan chọn loại gạo tẻ ngon đem ngâm 3 ngày 3 đêm, mỗi ngày thay 1 lượt nước, đến khi di trên đầu ngón tay thấy hạt gạo nhuyễn mới đem xay.Vôi dùng để quấy bánh không phải vôi đã tôi ở thùng, ở bình mà đem vôi cục nướng lên, hòa vào nước rồi gạn lấy nước trong, đem gạo đã xay hòa với nước vôi này để nấu bánh.
Theo người dân làng Đồng Quan, để có bánh đúc ngon thì quan trọng nhất vẫn là khâu nấu và quấy bánh. Chuẩn bị một cái nồi đã được tráng mỡ, đổ bột vào, bắc lên bếp, lấy đũa cả quấy liên tục sao cho bột không vón, không khê, không sát nồi, phải quấy thật đều tay nếu không sẽ bị vón cục ngay. Lửa nấu phải nhỏ và đều thì bánh mới chín và không khê. Tùy theo kinh nghiệm và cảm nhận của nười nấu sẽ biết khi nào nồi bánh gần được thì đậy vung, tắt lửa, để om trên bếp một lúc rồi cho lạc rang, dừa xát mỏng vào. Lại quấy tiếp tới lúc bột quánh dẻo, các nguyên liệu hòa đều, lấy đũa cả đánh lên thả xuống thấy róc đũa là được. Bánh đúc chín đổ ra mẹt lót lá chuối tươi sẽ được tấm bánh tròn to, đổ vào bát sẽ được bánh nhỏ, xâu lạt được.
Nhìn miếng bánh đúc trắng ngần, bóng mịn, lấm tấm mấy hạt lạc bùi bùi, giòn sần sật làm ta chẳng thể cưỡng lại mà cầm lên thưởng thức. Ăn bánh đúc phải chấm với tương bần. Khi đó, cái vị ngọt của gạo, vị nồng của vôi, vị béo của dừa, vị mặn của tương, tất cả hòa quyện thành vị quê nồng đượm.
Nếu có dịp về Đồng Quan, bạn đừng quên thưởng món bánh đúc truyền thống nơi đây, của mảnh đất Bắc Giang thấm đượm tình người
7. Mật ong hoa rừng Yên Thế
Mật ong hoa rừng Yên Thế được chiết xuất từ những tổ ong sống trong rừng. Với vị ngọt tinh khiết, mang mùi đặc trưng của hoa rừng. Mật ong hoa rừng Yên Thế sánh, sạch, thơm tinh khiết. Sản phẩm chiết xuất tự nhiên, không pha tạp chất hay hóa chất bảo quản, được đóng chai 0,6 lít tiện dụng.
Mật ong từ xa xưa đã được cho là một loại thực phẩm quý. Sản phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể như Vitamin B, C, E, K và nhiều khoáng chất thiết yếu, có công dụng kháng khuẩn, giảm đau, giúp vết thương mau lành, giảm ho, ngăn ngừa viêm họng, tăng cường hoạt động gan, tăng cường sinh lực, chống rối loạn tiêu hóa, giảm mệt mỏi suy nhược cơ thể, bồi bổ sức khỏe…