Tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn diễn ra chiều nay (ngày 24/4), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, để tận dụng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tiềm năng của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Ảnh: VGP |
Trong khi đó, Việt Nam đang có những lợi thế để khẳng định đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Đầu tiên là sự quyết tâm chính trị cao từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn trong lĩnh vực điện tử. Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas…
Đồng thời, Việt Nam có lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang, với hơn 50% dân số dưới 30 tuổi (thời kỳ dân số vàng) và khoảng 1,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm.
Không những vậy, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nêu rõ 2 nội dung hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Đáng chú ý, Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Hoa Kỳ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành.
Trước những lợi thế trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư khẳng định Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Hướng đi nào để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn?
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh về mục tiêu nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Theo Đề án năm 2030, kỹ sư Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất.
Cụ thể, Đề án nêu rõ sẽ đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn, 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành công nghiệp bán dẫn và tối thiểu 5.000 kỹ sư trong số đó có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo. Đồng thời đào tạo được khoảng 1.300 giảng viên có trình độ quốc tế.
Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam. Ảnh minh họa |
Để xác định mục tiêu này, Ban soạn thảo đã tổng hợp các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu thực tế của thị trường hiện tại và trong giai đoạn 5 – 20 năm tới.
Đồng thời, căn cứ trên kết quả khảo sát năng lực đào tạo của các trường đại học lớn tham gia đào tạo các ngành gần, ngành phù hợp, ngành đúng để chuyển đổi sang ngành công nghiệp bán dẫn như Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT…, mỗi trường đang có khoảng 3.000 – 6.000 sinh viên ngành phù hợp tốt nghiệp hằng năm, thì con số 50.000 kỹ sư đến năm 2030 hoàn toàn khả thi, thậm chí còn có thể đào tạo được nhiều hơn.
Ngoài ra, báo cáo của Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) cho thấy, giá trị của công đoạn thiết kế chiếm 53%, công đoạn đóng gói kiểm thử chiếm 6%, công đoạn sản xuất và công đoạn khác chiếm khoảng 41%. Trong khâu đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác hiện nay chúng ta đang có lợi thế với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp FDI lớn và cần nhiều nguồn nhân lực, mặc dù công đoạn này chiếm giá trị không lớn trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn nhưng so với Việt Nam thì có giá trị rất đáng kể, đặc biệt với công nghệ đóng gói tiên tiến hiện nay đang là lĩnh vực quan trọng mà nhiều nền kinh tế, doanh nghiệp muốn tham gia vào.
Vì vậy, với bối cảnh hiện nay, giai đoạn đầu Việt Nam tập trung đào tạo nguồn nhân lực để tham gia công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử và một số công đoạn khác liên quan đến sản xuất thiết bị, vật liệu, hóa chất là phù hợp.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án gồm: Đào tạo giảng viên, sinh viên hệ chính quy; đào tạo nhân lực trình độ sau đại học; đào tạo hệ ngắn hạn, chuyển tiếp; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo; Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển; Đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo; Thu hút chuyên gia, nhân tài; Tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các giải pháp về hợp tác quốc tế, truyền thông và hỗ trợ triển khai khác.
Nguồn: https://kinhte.congthuong.vn/viet-nam-dang-co-co-hoi-nghin-nam-co-mot-de-tham-gia-nganh-cong-nghiep-ban-dan-toan-cau-316554.htm