Phạm Thị Hương

2024-04-26 13:39

Tăng cường kết nối cảng biển Việt Nam – Pháp, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế

Trong khuôn khổ sự kiện Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và Cơ quan thương mại Business France mới đây, ông Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA), Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, hiện tại, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang vận hành 16 cảng lớn như: Cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Quy Nhơn, cảng Sài Gòn… và trong VLA có hơn 720 doanh nghiệp logistics.

Từ đó tạo thành hệ sinh thái với mong muốn hỗ trợ thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới, hỗ trợ thương mại Việt Nam và Pháp phát triển.

Tăng cường kết nối cảng biển Việt Nam - Pháp, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế
Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA), Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC)

Ông chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn hệ thống cảng Việt Nam nói chung và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nói riêng trong thời gian tới sẽ được kết nối các hệ thống cảng lớn của Pháp, để nhận hỗ trợ trong vấn đề thị trường, kỹ thuật và các lĩnh vực trong lĩnh vực đầu tư cảng”.

Hiện nay, VIMC đang đầu tư một số dự án lớn như dự án bến số 3, số 4 của cảng Lạch Huyện; khu vực miền Trung, công ty phát triển dự án cảng Liên Chiểu; dự án ở Cần Giờ. Tất cả các dự án cảng nước sâu trong thời gian vừa qua đã hợp tác rất tốt với hàng tàu của Pháp CMA CGM. Thời gian tới, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư một số cảng lớn, ông Lê Quang Trung cho biết thêm.

Để phát triển lâu dài, hòa nhập với xu thế toàn cầu và tiếp tục có những đột phá, đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam đề xuất, mong muốn có sự hỗ trợ qua lại với Cơ quan thương mại Business France.

Đầu tiên, để thực hiện cam kết Net Zoro vào năm 2050, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam mong muốn hợp tác cùng Pháp, với hệ thống các cảng, doanh nghiệp của Pháp trong vấn đề về tiến trình cảng xanh và cảng thông minh (tiêu biểu là cảng Marseille).

Bên cạnh đó là mong muốn phát triển trung tâm logistics của Việt Nam tại châu Âu – nơi có những chính sách, ưu đãi để hàng hóa giữa hai quốc gia đc hưởng ưu đãi về thuế, lệ phí, ưu tiên vận tải.

Đồng thời, việc hợp tác sâu hơn với các hạ tầng lớn trong vấn đề phát triển chuỗi cung ứng. Đặc biệt, năm 2025, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại hội thường niên FIATA. Vì vậy, công ty hy vọng Cơ quan thương mại Business France sẽ đồng hành trong sự kiện này, để thúc đẩy xuất nhập khẩu thương mại của Việt Nam và Pháp.

Về lĩnh vực hàng hải, công ty cũng mong muốn hợp tác sâu hơn với các hãng tàu lớn để hỗ trợ thúc đẩy vận tải biển trong nước và tại Pháp. Từ đó, thúc đẩy xuất nhập khẩu và tăng năng lực cạnh tranh giữa Việt Nam và EU nói chung, Pháp nói riêng.

Tăng cường kết nối cảng biển Việt Nam - Pháp, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế
Ông Oliveier Brochet, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới

Trao đổi về vấn đề này, ông Oliveier Brochet, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ kết nối với các cảng biển lớn của Pháp tham gia sự kiện này và chúng tôi cũng giới thiệu về những công ty hàng hải lớn của Pháp để có thể tham gia các hệ thống liên kết hải cảng (ports interlink). Tôi sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng cường vận tải biển giữa hai nước và tôi đã lưu ghi lại tất cả những dự án vừa trình bày để đồng hành cùng VIMCkết nối với những đối tác tiềm năng của VIMC tại Pháp”.

Giải đáp thắc mắc về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam vào Pháp từ đại diện Tập đoàn FPT, bà Karine Gresser-Cognon, Giám đốc phụ trách Đầu tư khu vực ASEAN chia sẻ: “Có một bộ quy định, luật châu Âu về bảo vệ luật dữ liệu cá nhân, bộ tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi tại châu Âu và nhiều nước trên thế giới. Không nên coi đây là biện pháp hạn chế bởi vì nhiều nước và các châu Á và Việt Nam có thể tham khảo”.

Ngoài ra, Pháp có những cơ sở đào tạo để đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Có những khu vực các địa phương phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sẵn sàng tiếp đón, tiếp nhận với đầu tư hệ thống các công nghệ và phần mềm, giải pháp phần mềm ở các nước khác. Pháp cũng phát triển phần mềm liên quan đến khí carbon hóa trong sản xuất và sẵn sàng đón nhận sự đầu tư từ các quốc gia, đặc biệt là sự đầu tư của FPT trong quy định về thông tin này“, bà Karine Gresser-Cognon cho biết thêm.

Đẩy mạnh mối quan hệ song phương Việt Nam – Pháp

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, suốt 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hơn 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp đã ghi nhận những bước phát triển rất tốt đẹp, tạo đà cho hợp tác kinh tế, thương mại.

Tăng cường kết nối cảng biển Việt Nam - Pháp, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp

Về thương mại, Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Âu và là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Kim ngạch thương mại Việt Nam – Pháp đạt mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn năm 2011-2019. Năm 2023, do ảnh hưởng lạm phát và kinh khó khăn tại thị trường Pháp đã ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2023 đạt mức 4,8 tỷ đô la Mỹ, giảm 9,9% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,17 tỷ đô la Mỹ, giảm 14,2% và nhập khẩu đạt 1,63 tỷ đô la Mỹ, giảm 0,1% so với năm 2022.

Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 2 năm 2023, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 549 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,8 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 09 dự án với tổng vốn đầu tư là 3 triệu USD.

Việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và Business France ngày hôm nay sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại song phương cũng như trong khuôn khổ đa phương giữa hai khối ASEAN và EU, mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam và Pháp. Những thuận lợi và cơ hội đang mở ra trong quan hệ hai nước sẽ là nền tảng quan trọng, tạo thêm động lực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong tương lai”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Cục Xúc tiến thương mại hy vọng rằng với những thành tựu đã đạt được của 2 nước trong nhiều năm qua, cùng với việc Biên bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại và Business France chính thức có hiệu lực, sẽ góp phần tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại song phương cũng như trong khuôn khổ đa phương giữa hai khối ASEAN và EU, mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam và Pháp.

Những thuận lợi và cơ hội đang mở ra trong quan hệ hai nước sẽ là nền tảng rất quan trọng, tạo thêm động lực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong tương lai, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ tại Lễ bế mạc sự kiện.

Nguồn: https://congthuong.vn/tang-cuong-ket-noi-cang-bien-viet-nam-phap-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-tren-truong-quoc-te-316870.html

Chia sẻ:
    Hiện chưa có bài đánh giá nào