Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng sự thay đổi chính quyền ở Ukraine có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán giải quyết xung đột.
Báo El Pais của Tây Ban Nha ngày 10/7 đưa tin, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đưa ra tuyên bố trong các bức điện ngoại giao gửi tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Theo báo El Pais, ông Orban đã được một số nhà lãnh đạo EU yêu cầu giải thích về các cuộc gặp gần đây của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky.
Trong bối cảnh giới chức Mỹ đang bận rộn với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, ông Orban được cho là nhận định rằng đã đến lúc cần có “một sáng kiến của châu Âu” để giải quyết xung đột Nga – Ukraine và Mỹ có thể ủng hộ sáng kiến này.
“Tôi đưa ra ý tưởng rằng tổng thống Mỹ mới đắc cử sẽ phải đối mặt với áp lực phải đưa ra một kết quả chính trị nhanh chóng, ngay cả trước khi nhậm chức. Một lệnh ngừng bắn trước các cuộc đàm phán hòa bình, cũng như các cuộc đàm phán hòa bình nhanh chóng và chi tiết có thể mang lại lợi ích cho chính quyền mới”, ông Orban cho biết thêm.
Ông Orban lưu ý, mặc dù ông Tập “không đưa ra bình luận nào về khả năng xảy ra kịch bản này”, nhưng ông coi Trung Quốc là “một bên trung gian hòa giải trung thực” có thể đảm bảo hòa bình giữa Moscow và Kiev.
Theo ông Orban, cả ông Tập và ông Putin đều tin rằng các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu dưới một hình thức nào đó vào cuối năm nay. Ông nói thêm rằng, với quy mô tổn thất của Ukraine trên chiến trường, ông Putin “ngạc nhiên” khi Kiev thẳng thừng bác bỏ đề xuất của ông Orban về một “lệnh ngừng bắn nhanh chóng” nhằm đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình.
Ông Putin vẫn coi công thức hòa bình bị Kiev bác bỏ vào năm 2022 là phù hợp. Theo các điều khoản sơ bộ đã được thỏa thuận tại Istanbul vào tháng 4/2022, Ukraine sẽ trở thành một quốc gia trung lập với quân đội hạn chế để đổi lấy sự đảm bảo an ninh quốc tế. Tuy nhiên, kế hoạch này đã sụp đổ sau khi Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là ông Boris Johnson thuyết phục nhà lãnh đạo Ukraine rút khỏi các cuộc đàm phán.
Trong bài phát biểu sau cuộc gặp với ông Orban, Tổng thống Putin cho biết Nga muốn “kết thúc hoàn toàn cuộc xung đột” hơn là một lệnh ngừng bắn tạm thời và bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải liên quan đến việc Kiev rút lực lượng khỏi Donbass cũng như Kherson và Zaporizhia. Đây là các khu vực Nga tuyên bố sáp nhập vào cuối năm 2022.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko ngày 10/7 nói với các phóng viên tại Câu lạc bộ thảo luận Valdai rằng cuộc đàm phán Nga – Ukraine sẽ diễn ra ngay khi Kiev có lập trường thực tế.
Khi được hỏi liệu các cuộc đàm phán có thể diễn ra vào năm 2024 hay không, ông Rudenko nói: “Tôi không muốn đưa ra bất kỳ thời hạn hoặc xác định khung thời gian nào. Lập trường của tổng thống rất rõ ràng: các cuộc đàm phán sẽ chỉ diễn ra khi Ukraine sẵn sàng cho việc này và khi nước này có lập trường thực tế”.
Ông Rudenko là thành viên của phái đoàn Nga tham gia đàm phán với Ukraine vào năm 2022.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói thêm: “Những gì đang được chính quyền Ukraine đề xuất chắc chắn không phải là nền tảng cho bất kỳ cuộc đàm phán nghiêm túc nào”.
Nga nêu điều kiện thúc đẩy đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine
Trong bài viết đăng trên Telegram hôm 10/7, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã nhận định kịch bản có thể xảy ra nếu Ukraine chấp nhận các điều kiện của Moscow. Các điều kiện này đã được Tổng thống Vladimir Putin đưa ra trong cuộc gặp với các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nga gần đây.
Những điều kiện này bao gồm Ukraine chấp nhận kết quả của chiến dịch quân sự của Nga, rút hết quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập (Kherson, Zaporizhia, Lugansk và Donetsk), đồng thời cam kết trung lập, không gia nhập NATO.
Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Putin. Trong cuộc hội đàm ở Washington hôm 10/7, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto rằng bất kỳ sáng kiến nào nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine không nên dựa trên các đề xuất của Nga.
Ông Medvedev chỉ ra rằng ngay cả khi Kiev chấp nhận các điều kiện, Nga vẫn nên thận trọng vì Moscow sẽ không được hưởng lợi từ việc tạm dừng các hoạt động quân sự tại Ukraine. Theo ông, việc tạm dừng này sẽ cho phép Ukraine tập hợp lại lực lượng, trong khi Kiev không đưa ra tuyên bố nào đáng tin cậy.
Cựu tổng thống Nga cho rằng một sự thay đổi triệt để chính quyền ở Kiev có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tình hình ở Ukraine.
“Đây sẽ là lúc tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, đặc biệt là về việc Kiev đầu hàng”, ông Medvedev cho biết.
Tháng 9/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, Nga tuyên bố không công nhận tính hợp pháp của ông Zelensky sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 5 năm nay. Moscow tuyên bố chỉ công nhận quyền hợp pháp của quốc hội Ukraine.
Tổng thống Nga cho rằng có những thế lực ở nước ngoài giữ cho ông Zelensky tiếp tục nắm quyền và để ông và chính phủ của mình phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tất cả những “quyết định không được lòng dân” đã đưa ra và chưa được đưa ra.
Theo ông Putin, một thời gian sau, “các đại diện của nhánh hành pháp” Ukraine hiện tại sẽ bị thay thế bằng một chính phủ mới không chịu trách nhiệm về những quyết định như vậy.
Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh, Ukraine nên tổ chức bầu cử sau khi nhiệm kỳ của Tổng thống Zelensky đã hết.
Trước đó, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cũng nói rằng: “Khi hết nhiệm kỳ tổng thống, ông Zelensky không còn quyền phát biểu thay mặt người dân Ukraine nữa”. Ông cũng lưu ý, “bất kỳ thỏa thuận nào với một tổng thống bất hợp pháp đều vô hiệu và có thể gặp thách thức trong tương lai”.
Về điều này, Tổng thống Putin mới đây khẳng định Nga luôn sẵn sàng đàm phán với Ukraine nhằm chấm dứt xung đột, nhưng quan trọng là đàm phán với ai. “Đó là một câu hỏi quan trọng. Chúng tôi nhận thấy rằng tính hợp pháp của nguyên thủ quốc gia đương nhiệm đã không còn nữa”, ông cho biết.
Phản hồi bình luận của ông Putin, Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk tuyên bố, ông Zelensky vẫn là tổng thống Ukraine chừng nào đất nước vẫn còn trong tình trạng thiết quân luật.
Theo quy định của Hiến pháp Ukraine, nhiệm kỳ của Tổng thống Volodymyr Zelensky chấm dứt từ ngày 21/5.
Theo kế hoạch ban đầu, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra tại Ukraine vào ngày 31/3 để chọn ra người kế nhiệm ông Zelensky. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, ông Zelensky cho biết, Ukraine sẽ không tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử nào trong giai đoạn thiết quân luật như hiện nay.
Ukraine bắt đầu thiết lập tình trạng thiết quân luật sau khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022. Kể từ đó đến nay, quốc hội nước này đã nhiều lần gia hạn thiết quân luật.
Hôm 21/5, ông Zelensky khẳng định: “Nhiệm kỳ 5 năm của tôi chưa kết thúc, nhiệm kỳ vẫn đang tiếp tục vì tình trạng thiết quân luật”.