Một bạn đọc phản ánh phải mất nhiều tháng trời, đi lại nhiều cơ quan mới làm lại được giấy khai sinh do các giấy tờ mâu thuẫn nhau tháng sinh, tờ khai thiếu tên mẹ.
Ông N.V.A. (ngụ TP.HCM) phản ánh đến Tuổi Trẻ Online về hành trình 3 tháng vất vả làm lại giấy khai sinh, dù năm nay đã trên 70 tuổi.
Chỉ vì sai tháng sinh, tờ khai thiếu tên mẹ
Vợ chồng ông N.V.A. làm hồ sơ định cư ở Mỹ. Trong hồ sơ yêu cầu phải có giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng ông A.. Do vợ chồng ông A. thất lạc giấy đăng ký kết hôn nên đã đến UBND quận nơi thường trú xin trích lục giấy đăng ký kết hôn.
Đến khi lấy trích lục giấy đăng ký kết hôn thì ông A. phát hiện tháng sinh của mình bị sai (sinh ngày 30-10-1951, nhưng trên tờ đăng ký kết hôn ghi là 30-11-1951). Ông A. nhờ UBND quận điều chỉnh lại tháng sinh thì cán bộ tư pháp quận hướng dẫn: Để điều chỉnh tháng sinh trên sổ hộ tịch thì ông A. cần cung cấp cho cán bộ giấy khai sinh (là giấy tờ gốc) của ông A. để đối chiếu.
Tuy nhiên khi ông A. mang giấy khai sinh lên UBND quận thì cán bộ không đồng ý vì giấy khai sinh quá cũ, là bản khai sinh bằng tiếng Pháp và một trích lục khai sinh năm 1958.
Từ đó cán bộ tư pháp quận hướng dẫn ông A. lên Sở Tư pháp TP.HCM để được hướng dẫn thủ tục làm lại khai sinh. Sở Tư pháp TP kiểm tra và xác nhận ông A. không có thông tin trên hệ thống hộ tịch và cấp cho ông A. giấy hướng dẫn về UBND phường nơi ông A. thường trú để làm lại khai sinh.
Cán bộ UBND phường giải thích do ông A. không có thông tin nên cần trích lục lại tờ khai gia đình năm 1991 để đối chiếu. Thế nhưng kết quả trích lục tờ khai gia đình năm 1991 thì trên tờ khai có đầy đủ thành viên gia đình ông A. nhưng lại thiếu tên mẹ ông A..
Nguyên do mẹ ông A. mất năm 1961 và khi ông A. khai tờ khai gia đình lại không biết phải khai luôn người đã mất, nên thiếu thông tin mẹ ông A.. Cán bộ tư pháp phường cũng bối rối vì làm lại khai sinh cho ông A. thì phải có thông tin của mẹ ông. Trong khi đó, tờ khai gia đình thiếu thông tin mẹ ông A., còn giấy khai sinh của chế độ cũ có thông tin nhưng lại quá cũ.
Khai sinh chế độ cũ cấp là cơ sở khai sinh lại
Rắc rối của ông A. gặp phải là trường hợp khá hiếm. Ông A. đã trình bày và thuyết phục UBND phường xem xét hoàn cảnh của ông. Sau thời gian chạy tới lui, ông cũng được UBND phường cấp lại giấy khai sinh, được điều chỉnh tháng sinh và có tên mẹ ông.
Giải thích về trường hợp trên, ông Nguyễn Triều Lưu, trưởng phòng hộ tịch – quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết nghị định 123 (hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch) đã có quy định về trường hợp đăng ký khai sinh lại.
Do người dân không có giấy khai sinh và đã được Sở Tư pháp tra cứu, xác nhận không có trên hệ thống thông tin hộ tịch thì người dân sẽ được chỉ định thực hiện thủ tục làm lại khai sinh và thẩm quyền thực hiện thủ tục này thuộc về UBND cấp xã, nơi người dân thường trú.
Một cán bộ tư pháp phường cho biết theo thông tư 04 của Bộ Tư pháp (hướng dẫn Luật Hộ tịch và nghị định 123), khi không có (không còn) giấy khai sinh gốc do cơ quan chức năng Việt Nam cấp hợp lệ thì người làm lại khai sinh cần cung cấp bản sao khai sinh.
Nếu vẫn không có bản sao khai sinh thì cần cung cấp bản chính hoặc bản sao giấy tờ có giá trị thay thế giấy khai sinh được cấp trước năm 1945 ở miền Bắc và trước năm 1975 ở miền Nam.
Trường hợp không có cả giấy tờ, tài liệu trên thì mới xét đến các giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú…
“Như vậy, giấy khai sinh, bản sao giấy khai sinh của chế độ cũ cấp được quy định là một loại giấy tờ, tài liệu làm cơ sở để đăng ký lại khai sinh. Tuy nhiên trường hợp ông A. do có mâu thuẫn trong giấy tờ này với tờ khai gia đình năm 1991 thiếu tên mẹ ông, nên UBND phường phải đối chiếu thêm các giấy tờ khác để giải quyết cấp lại giấy khai sinh cho ông, bảo đảm sự chính xác, hợp lệ”, cán bộ tư pháp phường nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hanh-trinh-vat-va-lam-lai-giay-khai-sinh-do-sai-thang-to-khai-thieu-ten-me-20240425142417031.htm