(Dân trí) – Theo giám đốc Viện Net Zero (Đại học Sydney), mục tiêu chung của Việt Nam và Australia là phát thải ròng bằng 0 năm 2050. Bà nói Việt Nam đang mở rộng, chuyển đổi rất nhanh trong hành trình Net Zero.
Mới đây, Viện Đại học Sydney Việt Nam, thuộc Đại học Sydney, Australia đã ra mắt tại Hà Nội. Viện hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận, tập hợp lực lượng nhà khoa học thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng thực tế tại Việt Nam.
Tại sự kiện, đại diện viện này cũng công bố nhiệm vụ chính của viện trong việc thực hiện nghiên cứu đa ngành trên nhiều lĩnh vực, bao gồm y tế, nông nghiệp, nghệ thuật, khoa học xã hội, kinh doanh cũng như đưa ra các sáng kiến Net Zero, nhằm tạo ra tác động sâu rộng, hướng tới sự thịnh vượng cho 2 quốc gia.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí bên lề sự kiện, giáo sư Deanna M. D’Alessandro, Giám đốc Viện Net Zero, Đại học Sydney, cho rằng cả Australia và Việt Nam đều đã cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Bà cho rằng thách thức đối với Việt Nam cũng là thách thức mà Australia đang phải đối mặt vì cả 2 quốc gia đều phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhiên liệu hóa thạch. Phát thải khí nhà kính chủ yếu xuất phát từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và cả 2 quốc gia đều đứng trước thách thức để chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch hơn như năng lượng tái tạo.
Chuyển đổi năng lượng xanh đang là xu thế tất yếu của thế giới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững. Giám đốc Viện Net Zero cũng cho rằng Việt Nam đang mở rộng và chuyển đổi rất nhanh trong hành trình Net Zero.
“Tôi rất ấn tượng về tốc độ, quy mô cùng các giải pháp phát triển bền vững đã được triển khai tại Việt Nam. Chuyển đổi năng lượng xanh sẽ giúp Việt Nam bắt kịp xu thế. Tôi cho rằng có rất nhiều điều mà Australia có thể học hỏi và hợp tác cùng Việt Nam để cả 2 nước cùng đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, bà chia sẻ.
Bà cho rằng cơ hội kinh tế về việc chuyển đổi Net Zero cũng rất lớn. Về mặt kinh tế, các công nghệ năng lượng sạch là cần thiết và Việt Nam đang dẫn đầu rất nhiều công nghệ năng lượng sạch. Để đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh, chúng ta có thể giảm sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch và sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch như hydro.
Chia sẻ tại Hội nghị chuyên đề Net Zero định hình tương lai công nghệ xanh, giáo sư Ken Tye Yong của Đại học Sydney cũng cho rằng để giảm sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch, chúng ta có thể sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió hoặc thủy điện để giảm lượng khí thải carbon. Bên cạnh đó, chúng ta có thể sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, đầu tư vào máy móc tiên tiến tiêu thụ ít năng lượng hơn.
Chính phủ Australia và các nhà tài trợ quốc tế cam kết khoản tài trợ phi lợi nhuận tới 40-45 triệu USD Úc (khoảng hơn 700 tỷ đồng) cho Viện Đại học Sydney Việt Nam. Viện là một doanh nghiệp phi lợi nhuận, do đó toàn bộ doanh thu sẽ được sử dụng để đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu tại Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Thu Anh, Giám đốc điều hành Viện Đại học Sydney Việt Nam, chia sẻ rằng viện có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy hợp tác, đổi mới và sáng tạo, nhằm tạo ra tác động tích cực không chỉ tại Việt Nam mà còn xa hơn nữa.
“Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các tổ chức và cá nhân trong nước và quốc tế để xây dựng một nền tảng vững chắc giúp nâng cao năng lực nghiên cứu đa ngành và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương và toàn cầu”, bà Thu Anh nêu.
Giáo sư Emma Johnston, Phó hiệu trưởng Phụ trách Nghiên cứu Đại học Sydney cũng cho biết viện được xây dựng dựa trên lịch sử hợp tác lâu dài với các nhà nghiên cứu, sinh viên, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ Việt Nam.
Nguồn: báo dân trí