Chốt ngày, dầu WTI tăng 0,92% lên 83,57 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,12% lên 89,01 USD/thùng.
Diễn biến giá liên tục giằng co trong phần lớn phiên giao dịch, thậm chí lực bán còn áp đảo ngay sau khi Mỹ công bố tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 1,6% so với quý trước, thấp hơn dự báo tăng 2,5%, phản ánh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại có thể làm lu mờ triển vọng tiêu thụ dầu mỏ. Tuy nhiên, lực mua xuất hiện rõ rệt nhất vào những thời điểm cuối phiên, khi căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông gia tăng trở lại.
Bảng giá năng lượng |
Mặc dù tạm thời chưa có sự ảnh hưởng tới nguồn cung dầu thô, nhưng bất kể các động thái cho thấy căng thẳng gia tăng đều tác động mạnh lên tâm lý của nhà đầu tư dầu thô. Điều này đã thúc đẩy giá dầu tăng trở lại.
Ngoài ra, nguồn cung của một số nước xuất khẩu có chiều hướng thu hẹp lại, cũng góp phần đẩy giá dầu đi lên. Iraq, thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết sẽ giữ mức trần xuất khẩu dầu thô 3,3 triệu thùng/ngày đến cuối năm nay bất kể các quyết định của OPEC trong tháng 6 sẽ như thế nào. Giới hạn tự áp đặt xuất khẩu là một phần trong cam kết của Iraq nhằm bù đắp cho việc vượt quá mục tiêu sản xuất 4 triệu thùng/ngày trong ba tháng đầu năm 2024.
Tại Nga, lượng dầu xuất khẩu từ các cảng phía Tây trong tháng 5 dự kiến sẽ giảm khoảng 1 triệu tấn, tương đương 13% so với tháng 4 do cam kết cắt giảm với OPEC+.
Bên cạnh đó, giá dầu nhận hỗ trợ mạnh trước thông tin Iran ấn định mức giá bán chính thức (OSP) đối với loại dầu thô nhẹ của mình xuất khẩu sang thị trường châu Á ở mức cao hơn 2,25 USD/thùng trong tháng 5, tương đương mức tăng 0,3 USD/thùng so với tháng 4, ngay trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục thắt chặt.
Nguồn: https://giaothuong.congthuong.vn/gia-dau-hoi-phuc-316855.html