Phạm Thị Hương

2024-05-14 09:05

Chật vật vì tỷ giá

Loạt doanh nghiệp “ngấm đòn” tỷ giá

Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024 mới đây của một số DN có khoản vay lớn bằng USD “đội” thêm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng chi phí vì biến động của tỷ giá. Đáng chú ý, nhiệt điện và dầu khí là hai lĩnh vực mà nhiều DN có những khoản vay bằng USD khá lớn. Do đó, có không ít DN thuộc hai lĩnh vực này đã ghi nhận những khoản lỗ lớn do chênh lệch tỷ giá.

Đơn cử, trong quý I/2024, Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem) ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là gần 9,4 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ghi nhận doanh thu thuần trong khi quý I/2024 giảm 16%, về mức 6.243 tỷ đồng. PV Power ghi nhận chi phí tài chính tăng 10% lên 154 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lỗ chênh lệch tỷ giá với hơn 70 tỷ đồng.

Vẫn cần phải đặt mục tiêu ổn định tỷ giá là ưu tiên nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến nợ công, nợ DN, nhập khẩu cũng như bảo đảm sự an tâm đối với tâm lý nhà đầu tư. Điều cần thiết lúc này là NHNN cần thực hiện các biện pháp để giữ ổn định tỷ giá hối đoái trên cơ sở nhìn nhận tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, các công cụ can thiệp của cơ quan quản lý và xu hướng biến động của đồng USD trong những tháng còn lại của năm 2024. Việc giữ được ổn định tỷ giá sẽ tạo nên niềm tin cho các chủ thể thị trường, từ đó tác động tới cung cầu ngoại tệ trên thị trường và quay trở lại giúp ổn định tỷ giá.
Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia,
TS Trương Văn Phước

Tập đoàn Dệt may – Vinatex báo cáo lợi nhuận gộp trong quý I/2024 tăng 5% lên 345 tỷ đồng. Nhưng do tỷ giá tăng, công ty phát sinh khoản lỗ tỷ giá lớn do đánh giá lại số dư gốc vay ngoại tệ khiến lợi nhuận ròng giảm 36% xuống 36,5 tỷ đồng. Cụ thể, báo cáo cho thấy lãi chênh lệch tỷ giá của tập đoàn này giảm từ 59 tỷ xuống 44 tỷ đồng trong khi lỗ chênh lệch tỷ giá gấp đôi lên 46 tỷ đồng.

Phát sinh các khoản lỗ tỷ giá lớn trong quý I/2024 còn có Tập đoàn Vingroup (1.563 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (102 tỷ đồng), Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (52,8 tỷ đồng). Một số DN có khoản vay bằng USD còn có Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Tổng Công ty Khí Việt Nam, Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương…

Không chỉ tác động đến các DN có vay nợ bằng ngoại tệ, trong bối cảnh tương quan các cặp tiền tệ biến động lớn, các DN có doanh thu nhận về và chi phí thanh toán bằng ngoại tệ cũng phải căng mình tìm giải pháp. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long thừa nhận, DN này bị ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố tỷ giá. Tỷ trọng nguyên liệu đến từ nguồn nhập khẩu khá lớn. Đồng thời, Công ty vẫn duy trì tỷ trọng vay nước ngoài nhất định trong cơ cấu nợ vay, phải trả lãi và nợ gốc bằng USD hàng kỳ. Tính chung cả quý I, Hòa Phát ghi nhận mức lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 92 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lãi 68 tỷ đồng.

Theo giới chuyên gia, Việt Nam là nước xuất khẩu song cũng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất nên nhu cầu ngoại tệ là khá lớn. Biến động của tỷ giá đang tác động trực tiếp đến hoạt động của DN.

Áp lực còn hiện hữu

Trước đó, liên tục trong suốt 2 tuần cuối tháng 4 và đầu tháng 5, tỷ giá bán ra tại các ngân hàng lớn đều ở mức “kịch trần” và gần như song hành với các bước đi của tỷ giá trung tâm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều động thái can thiệp nhằm ổn định tỷ giá, đặc biệt là bán ngoại tệ giao ngay, phát hành tín phiếu…

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2024, NHNN cho biết, để ổn định tỷ giá, NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu để hỗ trợ tỷ giá. Từ ngày 19/4, USD được bán ra cho các ngân hàng thương mại có trạng thái ngoại tệ âm để can thiệp thị trường. Đây là biện pháp can thiệp nhằm giải tỏa tâm lý trên thị trường, khơi thông nguồn cung và bảo đảm thanh khoản ngoại tệ thông suốt. So với năm ngoái, tỷ giá liên ngân hàng đã tăng khoảng 4,86%. Còn tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng tăng 4,37 – 4,56% so với cuối năm 2023, vượt qua mức tăng ghi nhận trong cả năm 2023 và cao hơn nhiều mức tăng 2,28% trong quý I/2024.

Công cụ tỷ giá trung tâm với quy định mức trần – sàn phát huy tác dụng đáng kể trong việc kìm lại đà tăng tỷ giá trên thị trường chính thức. Cùng đó, hoạt động bán can thiệp ngoại tệ cũng đã được triển khai với quy mô được cho là khoảng 500 – 700 triệu USD, theo một báo cáo mới đây của WiResearch (WiGroup). Dù vậy, giá USD trên thị trường tự do vẫn đang có khoảng cách khá lớn với tỷ giá chính thức giao dịch ở các nhà băng.
Sáng 13/5, NHNN công bố tỷ giá trung tâm là 24.266 đồng, giảm 5 đồng so với phiên giao dịch cuối tuần qua. Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN niêm yết ở mức 23.400 – 25.450 đồng/USD (mua – bán). Trên thị trường tự do, giá bán USD tăng 70 đồng đứng ở mức 25.800 đồng/ USD và chiều mua cũng tăng 70 đồng lên mức 25.720 đồng/USD.

Lý giải nguyên nhân tỷ giá tăng, nhà điều hành cho rằng do thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn hạ lãi suất điều hành, đồng USD thế giới tăng và duy trì ở mức cao. Cùng đó, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì âm (lãi suất VND thấp hơn USD). Nhu cầu ngoại tệ đầu năm tương đối lớn phục vụ nhập khẩu nguyên vật liệu.

Nhận định về tỷ giá VND/USD trong thời gian tới, các nhà phân tích thuộc Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB đánh giá, trong lĩnh vực ngoại hối, tác động từ chu kỳ nới lỏng của Fed bắt đầu muộn hơn dự kiến đối với USD là rất rõ ràng. Gần như chắc chắn rằng đồng USD có thể sẽ tiếp tục mạnh, ít nhất là trong quý II năm 2024.

Khuyến cáo doanh nghiệp chủ động đối phó

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu các yếu tố vĩ mô ổn định và các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản khởi sắc, vàng trong nước giảm nhiệt… thì sẽ tác động tích cực lên tỷ giá trong thời gian tới. Hiện, giá vàng, lãi suất vẫn đang cộng hưởng đẩy tỷ giá. Giá vàng thế giới vẫn đang là ẩn số. Giá vàng trong nước đã giảm xuống dưới 90 triệu đồng/lượng song so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC vẫn đang cao hơn khoảng 15 – 16 triệu đồng/lượng.

Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị leo thang trong khu vực Trung Đông gần đây đã khiến các nhà đầu tư ưa chuộng USD hơn như một công cụ phòng ngừa rủi ro. Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 vừa qua chỉ tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức tăng lên đến 19,9% của nhập khẩu.

Theo đó, xuất siêu hàng hóa giảm mạnh từ mức 2,78 tỷ USD trong tháng 3 xuống chỉ còn 0,68 tỷ USD trong tháng 4, là mức xuất siêu hàng hóa tính theo tháng thấp nhất theo công bố của Tổng cục Thống kê kể từ tháng 7/2022 đến nay, cũng dẫn đến nhu cầu USD cao hơn để thanh toán các hóa đơn nhập khẩu.

Để kiểm soát tỷ giá, chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần hút thanh khoản, bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác để nâng lãi suất liên ngân hàng, bán dự trữ ngoại hối… Tuy vậy, theo phân tích từ Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường (Công ty Chứng khoán VNDirect) Đinh Quang Hinh, ước tính dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam vào khoảng 94 tỷ USD, tương đương 3,4 tháng nhập khẩu (cao hơn một chút so với khuyến nghị của IMF là 12 – 14 tuần nhập khẩu). Việt Nam có dư địa bán ngoại tệ dự trữ để ổn định tỷ giá, song nguồn lực không quá dồi dào. Do đó, mặc dù DXY có thể hạ nhiệt khi Fed quyết định xoay trục chính sách tiền tệ, tỷ giá vẫn là rủi ro đáng chú ý và cần được theo dõi chặt chẽ trong 2 quý tới.

Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) Phạm Thị Ngọc Thủy cho rằng, dù tỷ giá được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt sau giai đoạn tăng nóng, song khuyến cáo các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá cũng như việc cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ. Về lâu dài, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, DN cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như: mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), bảo đảm cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học.

“Các DN xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho DN mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. Cùng với đó, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế, đặc biệt từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng sẽ giúp giảm bớt chi phí” – bà Phạm Thị Ngọc Thủy khuyến cáo.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/chat-vat-vi-ty-gia.html

Chia sẻ:
    Hiện chưa có bài đánh giá nào