Thái Bình thì có những lễ hội đặc sắc nào? – Đối với những du khách thích trải nghiệm, tìm hiểu những nét văn hóa riêng của từng vùng thì không thể tránh khỏi những câu hỏi: Đến đó có những lễ hội gì? Và khi nào đi thì phù hợp để cùng tham gia?… Không riêng gì những vùng khác Thái Bình cũng có rất nhiều lễ hội đặc sắc để mọi du khách tham gia và trải nghiệm những nét văn hóa riêng của nhau.
1. Lễ Hội Chùa Keo:
Lễ hội Chùa Keo Thái Bình, một sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng, được tổ chức vào hai dịp xuân thu nhị kì. Sở dĩ Chùa Keo Thái Bình có lễ hội là vì cơ sở thờ tự Phật giáo này gắn với Thiền sư Dương Không Lộ: ban đầu chỉ là “giỗ Tổ”, về sau hình thành dần những nghi thức, khi có điều hiện hơn nữa tổ chức thi và biểu diễn các trò tích. Từ năm 1632 đến nay, lễ hội Chùa Keo Thái Bình đã hình thành và phát triển với bề dày khoảng 400 năm.
+ Hội xuân: Được tổ chức vào mùa xuân (mùng 4 tháng Giêng), còn được gọi là lễ hội “Thánh du xuân” là lễ hội nông nghiệp vừa là lễ hội thi tài gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp vùng sông nước,
+ Hội thu: Là hội thi tài giải trí còn mang đậm tính chất của một lễ hội lịch sử. Ngày 13 tháng 9 kỉ niệm tuần bách nhật của Thiền sư Dương Không Lộ, còn gọi là ngày “đại tai thánh hội”; ngày 14 tháng 9 kỉ niệm ngày sinh của Thiền sư; ngày 15 tháng 9 là ngày vọng của nhà Phật.
Trong lễ hội Chùa Keo Thái Bình, phần Lễ và phần Hội là một thể thống nhất. Lễ là phần tín ngưỡng, tôn giáo sâu lắng nhất của người dân địa phương. Hội là phần vui chơi, giải trí, là đời sống văn hóa thường nhật của cộng đồng người dân nơi đây. Sự tách biệt giữa Lễ và Hội chỉ là tương đối, bởi có những tiết mục thông qua Lễ để thể hiện Hội và ngược lại.
A Sào từng là Thái ấp của Phụng Càn Vương – Yên Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ Quốc Công – Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng có công lớn trong việc khai ân, kiến tạo, sáng lập nên một vương triều hùng cường, thịnh trị trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
– Hàng năm, vào ngày 10/2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Hưng Đạo Đại Vương ngày 20 tháng 8 âm lịch là ngày hóa của ngài. Vào cả hai dịp, lễ hội đều được tổ chức long trọng, dân làng A Sào mở hội tế lễ Đức Thánh Trần và Lễ hội làng A Sào.
Đây là một trong những lễ hội lớn nhất vùng. Theo lệ xưa, mọi nghi thức trong lễ hội này đều theo nghi thức quốc gia, Triều đình thường cử các quan về hành tế và thường có bánh giày – loại bánh mà nhân dân trong vùng đã gói hàng ngàn, hàng vạn chiếc làm lương thực cho đoàn quân vượt sông Hóa đi đánh giặc năm xưa.
Trong dịp lễ hội tháng 8, người dân A Sào tổ chức diễn xướng, tái hiện cảnh tiễn quân đi đánh giặc Nguyên Mông, cảnh dân làng ném đất cứu voi của Trần Hưng Đạo bị sa lầy. Đặc biệt là những nghi lễ như: rước kiệu, khao quân, múa kéo chữ. Phần hội diễn ra với các cuộc thi pháo đất, đấu bóng chuyền, đấu cờ tướng, kéo co…
Lễ hội A Sào có giá trị lịch sử sâu sắc bởi nó minh chứng về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc nói chung và quá trình khởi dựng, phát triển vùng đất A Sào nói riêng. Địa điểm đền A Sào, đình Mễ Thương, bến Tượng là không gian của lễ hội mang đậm giá trị lưu niệm danh nhân. Lễ hội đã gợi nhớ thân thế, sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo cũng như tri ân công lao của ngài.
Bên cạnh đó, lễ hội còn là môi trường giáo dục tự nhiên mà hiệu quả nhất về truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Trong quá trình thực hành và tham dự lễ hội, người dân A Sào được cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của quê hương, nhắc nhở con cháu luôn khắc ghi công ơn của những người có công với dân, với nước. Những câu chuyện về Trần Hưng Đạo sẽ làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc cho Nhân dân A Sào nói riêng và các thế hệ người Việt nói chung.
Lễ hội đền A Sào cũng là nơi cư dân A Sào nói riêng và khách thập phương gửi gắm ước mơ, khát vọng về cuộc sống thái bình, thịnh trị. Đây là một trong những môi trường tồn tại, nuôi dưỡng và thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của con người. Bên cạnh đó, lễ hội đáp ứng nhu cầu vui chơi, ẩm thực của người dân, thể hiện sự ứng xử hài hòa với môi trường trong cách thức tổ chức các nghi lễ, trò chơi. Với những giá trị văn hóa tiêu biểu, lễ hội đền A Sào đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tháng 10/2015.
3. Lễ Hội Đền Đồng Bằng:
Lễ hội đền Đồng Bằng là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời và gắn liền với tâm thức của người dân trong vùng “tháng Tám giỗ cha”, vừa là Giỗ đức Vua cha Bát Hải Động Đình, vừa là Giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Hội kéo dài từ ngày 20 đến 26 tháng 8 âm lịch. Hội đền Đồng Bằng là một hội tứ phủ lớn trong vùng. Đây là dịp tập hợp lớn nhất của các ông đồng, bà cốt từ khắp mọi miền.
Vào ngày 20 tháng 8, diễn ra các nghi lễ trong đền Đồng Bằng của hội tứ phủ. Trong các ngày sau đó tại đây vẫn tiếp tục những nghi thức này, song vào ngày 20 tháng 8 sinh hoạt hội tứ phủ vương mẫu là nhộn nhịp nhất.
Giá trị của lễ hội
Lễ hội đền Đồng Bằng có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân nơi đây và du khách thập phương. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc thù và mang tính tổng hợp cao, pha trộn và đan xen nhiều tín ngưỡng dân gian bản địa, từ tục thờ thủy thần đến thờ Cha, thờ Mẹ, thờ Anh hùng dân tộc và Anh hùng văn hóa. Lễ hội này là một trong những hoạt dộng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của người dân thông qua việc thờ thủy thần như một vị thánh thiêng liêng, kết hợp thờ vị Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và tướng quân Phạm Ngũ Lão.
Lễ hội này đã trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều du khách, góp phần phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế và nâng cao đời sống cộng đồng cư dân ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, ngày 16/9/2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
4. Lễ Hội Ông Đùng Bà Đà:
Lễ hội diễn ra vào ngày 14/4 âm lịch hàng năm tại Đền thờ bà chúa Muối thuộc làng Quang Lang, xã Thụy Vân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Lễ hội ông Đùng bà Đà rất hoành tráng hào hứng, sôi nổi và linh đình, cờ quạt rợp trời, người đi xem chen lấn nhau chật đường, chật bãi. Ngày trước có nhiều làng tổ chức, nay hầu như chỉ còn một vài làng phục hồi lại, trong đó có làng Đậu An ở sát tỉnh lỵ tỉnh Hưng Yên, mở hội từ ngày mồng 6 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch.
Lễ hội đặc sắc với điệu múa ông Đùng, bà Đà mang đậm chất văn hóa dân gian nhằm cầu mong sự sinh sôi, thịnh vượng.
Tục chính của lễ hội là múa Đùng được diễn ra vào lúc nhập nhoạng tối cùng ngày. Trong khi múa người ta xướng vang những câu tụng ca công đức của bà chúa Muối như: “Lạy chúa! Muối của chúa năm nay được mùa lắm! Lạy chúa, lạy chúa…”.
Trong lễ hội các hình nộm mang cả dáng dấp ông Đùng và bà Đà. Khi múa lúc nghiêng ngả, quay sang phải, sang trái, cho ông bà có cơ hội “bày tỏ” tình cảm vui mừng với nhau. Các vai ông Đùng, bà Đà phải phối hợp sao cho những lần giáp mặt, thân chập vào nhau. Người Quang Lang giải thích đó là lúc ông bà đang “ăn nằm” với nhau.
Hiện nay, lễ hội ông Đùng – bà Đà được tổ chức vào tháng 4 âm lịch hàng năm (ở Thái Bình tổ chức vào ngày 14 tháng 4, ở Hưng Yên tổ chức từ ngày 6 đến 12 tháng 4) với rất nhiều trò vui. Nhiều thế hệ người dân nơi đây đã gần như quên hẳn ý nghĩa ban đầu của lễ hội. Khi được hỏi, hầu hết mọi người đều rất ngạc nhiên và lắc đầu không biết.