Phú Thọ được mệnh danh là vùng Đất Tổ linh thiêng, nơi cội nguồn của dân tộc. Nơi đây không chỉ có nền văn hóa lâu đời, với nhiều ngôi đền, chùa cổ kính, các làng nghề truyền thống, các lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, khu di tích lịch sử, văn hóa có giá trị to lớn mà còn nổi tiếng với nhiều đặc sản hấp dẫn khó mà tìm kiếm ở bất kỳ nơi nào khác. Trong chuyến hành trình du lịch sắp tới, bạn nhất định không được bỏ qua các đặc sản Phú Thọ sau đây nhé!
1. Thịt chua Thanh Sơn
Thịt chua được biết đến là một món ăn bình dị của người Mường ở khu vực Thanh Sơn. Hai thành phần chính của món ăn chính là thịt lợn và thính rang xay mịn. Nhưng sự hấp dẫn của món ăn nằm ở chỗ kết hợp tài tình với các loại gia vị đặc thù cùng cách chế biến riêng biệt, tạo nên hương vị độc đáo khó cưỡng.
Du lịch Phú Thọ, đừng quên thưởng thức món thịt chua Thanh Sơn @Đặc sản Việt Nam
Theo lời kể của các trưởng lão ở đây, nguồn gốc ra đời của món thịt chua vốn xuất phát từ nhu cầu bảo quản thịt được lâu hơn để dùng dần mỗi khi mổ lợn. Vì thế, người Mường nghĩ ra cách muối chua thịt trong ống tre, nứa. Hiện nay, món thịt chua Thanh Sơn không chỉ là món ăn riêng của người Mường mà đã trở thành đặc sản đáng tự hào của người Mường nói riêng và người Phú Thọ nói chung.
2. Bánh tai
Muốn thưởng thức trọn vẹn cái đẹp, cái riêng của hành trình du lịch Phú Thọ, hãy một lần nếm thử món bánh tai đậm đà phong vị của quê hương.
Bánh tai hay còn gọi là bánh Hòn, chính là một trong những đặc sản Phú Thọ nổi tiếng nhất của nơi đây. Sự dẻo thơm của bột gạo kết hợp hài hòa cùng phần nhân thịt lợn đậm đà, béo ngậy, hòa quyện cùng nhiều nguyên liệu khác tạo nên một món ăn tuy dân dã nhưng rất được ưa thích và trở thành món ăn sáng phổ biến của người dân địa phương.
Bánh tai Phú Thọ, thức quà quê dân dã đậm tình quê hương @SPK
3. Trám om cá
Trám là một loại quả đặc trưng của vùng Phú Thọ, với hai loại phổ biến là trám chua và trám đen. Thời gian thu hoạch trám thường rơi vào tầm cuối tháng 5, đầu tháng 6 âm lịch, tùy theo công dụng mà người ta chế biến phù hợp.
Hấp dẫn nhất phải kể đến cách chế biến trám om cá. Ẩn sau những cảnh đẹp ngút ngàn, hùng vĩ của thiên nhiên, con người Phú Thọ với một nếp sống bình dị từ thói quen sinh hoạt cho đến văn hóa ẩm thực. Trám om cá chính là món ăn tiêu biểu cho nét đẹp ẩm thực của người dân Phú Thọ. Từ những trái trám chua chát, qua bàn tay chế biến khéo léo, nó đã trở thành một món ăn vô cùng đặc biệt.
Trám om cá, món ăn đưa vị giác đi từ chua chát, ngọt lành rồi đến béo bùi ấn tượng khó quên @Cò Trắng
4. Xáo chuối
.Cái tên tiếp theo góp mặt trong danh sách đặc sản Phú Thọ chắc chắn đó là xáo chuối Lâm Thao. Một món ăn đơn sơ, mộc mạc nhưng rất được yêu thích tại nơi đây.
Cách làm món xáo chuối không có gì quá cầu kỳ nhưng quan trọng là phải tuyển chọn đúng nguyên liệu như: loại chuối tiêu đặc trưng, chuối không được quá xanh hay quá già, tiếp đến là xương sườn lợn, tiết lợn, riềng, nước tương.
Mê mẩn món xáo chuối, đặc sản vùng Lâm Thao, Phú Thọ @BDATrip
Khi thưởng thức, món xáo chuối ăn nóng là ngon nhất. Xáo chuối có vị bùi, thơm mềm, kết hợp với hương đặc trưng của riềng lan tỏa khắp nơi, ăn hoài mà không ngán.
5. Cọ ỏm
Cọ ỏm là món ăn đặc sắc, được chế biến từ loài cây đặc trưng của miền trung du Phú Thọ. Quả cọ có vị bùi bùi, thơm ngậy và cũng là đặc sản hấp dẫn, gây thích thú cho nhiều du khách khi du lịch Phú Thọ.
Quả cọ khi ăn sống sẽ có vị chát nhưng khi làm ỏm thì quả mềm, thơm ngon gấp nhiều lần. Quả cọ dùng để om phải là quả già mới ngon. Quả càng già, vị càng béo, bùi. Cách om cọ cũng là một nghệ thuật, và chỉ khi bạn trực tiếp nếm thử mới biết được vì sao món ăn này lại hấp dẫn đến vậy.
Ngọt bùi món cọ ỏm nơi Đất Tổ @ETime
6. Rêu đá
Thoạt nghe qua tên món ăn, hẳn nhiều người sẽ có chút bất ngờ nhưng đây quả thực là một đặc sản nổi tiếng của người Mường – món rêu đá Phú Thọ.
Khi tiết trời sang thu, thời tiết chuyển lạnh cũng là thời điểm hái rêu. Ở những khu vực như Đồng Sơn, Thu Cúc, Thượng Cửu…đều xem rêu đá như một món rau sạch đặc biệt của vùng cao. Nếu muốn ăn rêu sạch, non phải chọn nơi nước suối chảy xiết, trong, có nhiều tảng đá to làm nơi cho rêu bám vào để phát triển.
Nếu có dịp ghé đến Phú Thọ, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món rêu đá nổi tiếng @Nguyễn Minh Chuyển
7. Bưởi Đoan Hùng
Đoan Hùng, nơi được biết đến là vùng có những vườn bưởi chín vàng, trĩu quả bên dòng sông Lô nổi tiếng. Từ xa xưa, nơi đây đã được mệnh danh là “lãnh địa” của giống bưởi quý, rạng danh đặc sản vùng Đất Tổ. Những khu vực trồng nhiều bưởi nhất chính là Chí Đám, Bằng Luân, Khả Lĩnh, Phúc Lai, Quế Lâm, Yên Kiện, Phương Trung. Bạn có thể đến đây để thưởng thức và mang quà làm quà cũng rất tuyệt đấy!
Bưởi Đoan Hùng – quả ngọt vùng Đất Tổ @phununews
8. Rau sắn
Rau sắn không phải là món ăn quá sang trọng hay cầu kỳ về hình thức nhưng đòi hỏi chế biến đúng cách và lựa chọn nguyên liệu kỹ càng mới đảm bảo độ ngon vồn có. Những búp sắn non, mập mạp, còn nguyên lớp phấn mịn phía đầu chồi là tươi ngon nhất. Sau khi được muối cẩn thận, lá sắn có thể được nấu thành nhiều món ngon khác nhau. Ví dụ như món lá sắn xào với thịt lợn, lá sắn muối kho tép hay nấu canh đầu cá cũng rất hấp dẫn.
Từ bao đời nay, món rau sắn đã trở thành món ăn quen thuộc trên mâm cơm của người dân Phú Thọ. Dù có đi xa đến đâu, người con vùng Đất Tổ vẫn luôn nhớ về món canh chua rau sắn ngày nào.
Rau sắn Phú Thọ, món ăn độc đáo, hấp dẫn @Vietnamnet
9. Bánh tẻ mật
Một đặc sản Phú Thọ khác cũng nổi danh không kém chính là bánh tẻ mật. Địa điểm lý tưởng nhất để bạn thưởng thức đặc sản này là làng Đào Xá, huyện Thanh Thủy.
Món bánh tẻ mật đặc trưng với hương vị thanh ngọt, hiền hòa như tính cách của người dân nơi đây. Món bánh này cũng thường được người dân làng Đào Xá dâng cúng Thành Hoàng trong ngày hội.
Cũng đọc: Đến miếu Lãi Lèn – Ngân lại điệu hát Xoan truyền thống
Lỡ say mê nét bình dị của ẩm thực Phú Thọ, thử ngay món bánh tẻ mật thơm ngọt dịu dàng @Dulichvietnam
Từng lát bánh vàng óng, được bày ngay ngắn trên đĩa, trong suốt như mật ong, tỏa ra một mùi thơm dễ chịu và hấp dẫn. Thưởng thức món bánh cho ta cảm giác thơm dịu, ngọt ngào. Vừa ăn, vừa nhâm nhi cùng tách trà thanh mát và chiêm ngưỡng khung cảnh yên bình còn gì tuyệt hơn.
10. Mỳ gạo Hùng Lô
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mì gạo Hùng Lô vẫn lưu giữ được vị ngon truyền thống và dần trở thành món đặc sản Phú Thọ nổi tiếng gần xa.
Quy trình sản xuất mì gạo Hùng Lô khá phức tạp, mất thời thời gian thực hiện. Về nguyên liệu, cần dùng loại gạo sạch, đem ngâm khoảng 4 tiếng cho mềm, sau đó mang đi xay rồi loại bỏ sạn. Tiếp đến là công đoạn trộn, đổ vào máy làm mì. Sợi mì được cắt thành từng đoạn và đặt lên giá phơi vào sáng sớm để đảm bảo mì được phơi khô trong ngày. Cuối cùng là khâu cắt, cân và đóng gói sản phẩm.
Nhiều du khách chọn mì gạo Hùng Lô làm quà sau chuyến du lịch Phú Thọ @POLIVA
Nhờ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, nguyên liệu sạch, tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm nên mì gạo Hùng Lô luôn có chất lượng đảm bảo, sợi mì nhỏ, trắng sạch, nấu không bị nát, mà ngược lại còn dai mềm, thơm ngon.