Đồng hành với mục tiêu của Chính phủ và Cơ quan quản lý về việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, các ngân hàng đã bước đầu xây dựng và triển khai được những chính sách, quy trình, quy định thực thi chính sách tài chính, hỗ trợ tín dụng xanh.
Ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Chiến lược Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết trong quá trình thực thi chính sách tài chính xanh, ngân hàng này cũng đã xây dựng quy định nội bộ về quản lý môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Việc thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng.
Thực tiễn tại OCB, việc đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đang được lồng ghép vào quy trình cấp tín dụng và là một nội dung bắt buộc trong thẩm định cấp tín dụng.
Theo ông Nguyên, ngân hàng đánh giá rủi ro được thực hiện ngay từ khi tiếp xúc khách hàng, đánh giá nhu cầu ban đầu và quá trình thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng nhằm đảm bảo các khoản cấp tín dụng không có hoặc có ít tác động đến môi trường và xã hội.
Đối với các hồ sơ trình cấp tín dụng thuộc đối tượng đánh giá môi trường xã hội, ông cho biết đơn vị kinh doanh khi lập tờ trình cấp tín dụng sẽ thực hiện báo cáo “Đánh giá rủi ro môi trường và xã hội”. Sau đó, ngân hàng sẽ chuyển cấp phê duyệt kiểm tra và phê duyệt hồ sơ. Báo cáo được lưu trữ vào hồ sơ tín dụng.
Hiện, OCB ưu tiên nguồn vốn giải ngân cho các khoản cấp tín dụng thuộc các dự án xanh, các dự án môi trường và xã hội.
Không chỉ OCB, đại diện Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) cho biết HDBank đã thực hiện hàng loạt chính sách giảm thiểu phát thải carbon, đơn cử như hoạt động cấp tín dụng xanh, tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu dành cho cán bộ nhân viên trong việc thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, HDBank cũng chủ động nghiên cứu thị trường tín chỉ carbon và sẵn sàng các giải pháp tài trợ cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án tạo ra tín chỉ carbon.
Một số khoản vay “xanh” được duyệt trong 3 ngày
HDBank đã ban hành chính sách về cấp tín dụng xanh và bảo vệ môi trường, xã hội từ năm 2015. Đối với tín dụng xanh, ngân hàng này sẽ tài trợ cho doanh nghiệp, dự án trong lĩnh vực hiệu quả sử dụng năng lượng, chất thải và xử lý chất thải, xe điện, tòa nhà xanh, nông nghiệp bền vững, áp dụng kỹ thuật/công nghệ cao nhằm giải thiểu phát thải carbon trong các ngành sắt, thép, xi măng, dệt may…
Ở hướng ngược lại, các hạng mục kinh doanh hoặc dự án có tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội cũng được loại khỏi doanh mục cho vay như thuốc lá, than đá, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hóa chất có hại, các chất làm suy giảm tầng ozone…
Tổng doanh số giải ngân trong các năm qua tại HDBank là trên 15.000 tỷ đồng, góp một phần lớn vào trong bức tranh tổng thể hoạt động tín dụng xanh của toàn ngành ngân hàng. Tiếp đà tăng trưởng này, nhà băng này có kế hoạch phát triển dư nợ tín dụng xanh chiếm 15% trong danh mục cho vay trong vòng ba năm tới.
Tại OCB, ngân hàng cũng xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng cụ thể cho những dự án tài chính vi mô như sản phẩm cho vay nông nghiệp nông thôn, sản phẩm cho vay phát triển điện mặt trời áp mái…
Các khoản vay xanh sẽ được áp dụng chương trình phê duyệt tín dụng đặc thù với tốc độ xử lý hồ sơ ưu tiên và lãi suất ưu đãi cho khách hàng. Với các dự án lớn, OCB ưu tiên về nguồn lực để tập trung đẩy nhanh tốc độ xử lý hồ sơ để đảm bảo tiến độ triển khai dự án của chủ đầu tư.
Cụ thể, các doanh nghiệp đang tiến hành làm các dự án điện có quy mô tầm 10 MW trở lên thì thời gian làm sẽ từ 2 tuần; nhưng với các dự án điện áp mái dưới 1MW thì khoảng tầm 3 ngày là hoàn tất thủ tục.
Quy mô tín dụng xanh tại OCB đang trong xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng trung bình 8-10% trong tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn hàng (tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh cuối năm 2021-2022-2023 lần lượt đạt 11,2%-9,1% và gần 9% trên tổng dư nợ.
Ngân hàng làm gì để thúc đẩy tín dụng xanh?
Từ năm 2023, HDBank đã triển khai chiến lược phát triển ngân hàng bền vững thông qua việc thực thi ESG (Môi trường – xã hội – quản trị) trong hoạt động của ngân hàng. Trong đó, phát triển tín dụng xanh là một trong những chiến lược mũi nhọn.
Về quản trị, HDBank đã ban hành quy định về quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng (ESMS) và được áp dụng trong toàn hệ thống ngân hàng.
Với quy định này, tất cả các khoản vay đều được thẩm định về rủi ro môi trường và xã hội tác động lên hoạt động của doanh nghiệp và qua đó cũng đồng thời đề xuất các giải pháp để doanh nghiệp áp dụng nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro của món vay.
Ngân hàng cũng sẽ tiến hành rà soát và phân loại tín dụng xanh theo tiêu chí giảm thiểu và thích nghi với sự biến đổi khí hậu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và của Việt Nam.
Thời gian tới, HDBank sẽ tiếp tục làm việc với các định chế tài chính quốc tế như Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp (Proparco), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm nhận được sự hậu thuẫn hơn nữa về vốn và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực tài chính xanh góp phần làm xanh hóa hơn nữa danh mục cho vay của HDBank trong thời gian tới.
Trong hoạt động tài chính, lãnh đạo OCB cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn vốn huy động để hỗ trợ phát triển tín dụng xanh. Đồng thời, ngân hàng này xây dựng và cho ra đời các sản phẩm, chương trình tài trợ các dự án, các ngành nghề, lĩnh vực thân thiện môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; giảm thiểu rủi ro môi trường xã hội.
Bên cạnh đó, OCB sẽ xây dựng hoàn thiện và triển khai khung quản trị các rủi ro tác động môi trường, xã hội và quản trị dưới sự tư vấn từ tổ chức IFC.
Ngoài việc cấp vốn xanh, OCB cũng từng bước cụ thể hóa các chiến lược thành các hành động áp dụng vào quản lý nội bộ, cung cấp các dịch vụ sản phẩm tài chính đến các bên liên quan.
Cụ thể, ngân hàng thực hiện chuyển đổi số, số hóa, chuẩn hóa các hoạt động ngân hàng nhằm tăng chất lượng phục vụ, giảm thời gian xử lý hồ sơ, tiết kiệm giấy; thực hiện các giải pháp kỹ thuật (thiết bị tự động, cảm biến), chương trình truyền thông, sáng kiến ESG mục đích sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng (điện, nước).
Nguồn: Báo Dân Trí