Nghề làm giò chả đã gắn bó với gia đình bà Hoàng Thị Nhung (SN 1960) – chủ cơ sở sản xuất giò Nhung Tuấn hơn 30 năm nay. Với bà Nhung, điều giúp cơ sở giữ vững uy tín, được khách hàng tin tưởng sử dụng chính là sản phẩm làm ra phải luôn đảm bảo độ thơm ngon, chất lượng.
Bà Nhung cho biết: “Sau nhiều năm gắn bó với nghề làm giò lụa, gia đình tôi đã xây dựng được thương hiệu trong lòng bà con địa phương. Tuy nhiên, do xu thế thị trường, người dân khi mua thực phẩm thường lựa chọn các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác để đảm bảo an toàn sức khoẻ. Xuất phát từ nhu cầu đó, đầu năm 2022, gia đình đã mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng mua máy móc, thiết bị hiện đại, xây dựng nhà xưởng nhằm tạo ra quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và tự tin tham gia chương trình OCOP”.
Với sự đầu tư chỉn chu về chất lượng, mẫu mã đẹp mắt, sản phẩm giò lụa của gia đình bà Nhung đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào tháng 6/2023, tạo tiền đề đưa sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo bà Nhung, để tạo ra sản phẩm giò lụa ngon, an toàn đến tay người tiêu dùng, yếu tố quan trọng nhất là chất lượng nguyên liệu. Vì thế, hằng ngày, từ 4 giờ sáng, bà đã đến lò mổ trên địa bàn để lựa chọn thịt. Ngoài ra, thịt phải được lọc bỏ gân, mỡ trước khi cho vào máy xay. Trong quá trình xay sẽ thêm gia vị như nước mắm ngon, hạt tiêu… Giò được gói bằng lá chuối tươi đã được sơ chế sạch, hấp chín, để nguội, bọc bao ni lông và hút chân không trước khi xuất bán.
“Để đảm bảo an toàn cho khách hàng khi sử dụng, cơ sở luôn xác định vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu, kiên quyết nói không với hàn the, chất phụ gia. Nhờ đảm bảo được yêu cầu này nên sản phẩm giò lụa của gia đình luôn được khách hàng tin tưởng sử dụng. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất ra hơn 60 kg giò. Với giá 120 nghìn đồng/kg, mỗi tháng doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, chúng tôi thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Vào những ngày lễ, tết, lượng hàng của gia đình tăng gấp 3 – 5 lần so với ngày thường” – bà Nhung phấn khởi cho biết.
Nhờ có “tấm vé thông hành” của chương trình OCOP, công việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở sản xuất giò Nhung Tuấn ngày càng phát triển. Đến nay, thương hiệu giò lụa Nhung Tuấn đã được khách hàng gần xa biết tới, các đầu mối sỉ lẻ tại địa phương nhận phân phối; ngoài ra, còn xuất bán đến các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… Cơ sở cũng tạo việc làm thường xuyên cho 2 – 3 lao động trên địa bàn với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về định hướng phát triển, bà Nhung cho biết: “Hiện tại, cơ sở sẽ tiếp tục duy trì tốt nhịp độ sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng; đồng thời, đảm bảo chất lượng sản phẩm thơm ngon, an toàn, giữ vững thương hiệu. Chúng tôi sẽ cố gắng không ngừng hoàn thiện, phát triển và mở rộng hơn ở các thị trường trong và ngoài tỉnh, hứa hẹn sản phẩm ngày càng thơm ngon, an toàn và chất lượng.
Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đức Thọ Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: “Giò lụa Nhung Tuấn là sản phẩm tiêu biểu của hội viên Hội LHPN thị trấn Đức Thọ, được hội hỗ trợ vay vốn, phát triển sản xuất. Hiện nay, sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, đặc biệt, khi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, giò lụa Nhung Tuấn ngày một vươn xa. Để thương hiệu ngày một phát triển, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm động viên, hỗ trợ cơ sở phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm”.