Rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức đã ban lệnh cấm TikTok trên thiết bị của nhân viên, như Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Canada, New Zealand, Nauy, Hà Lan, Anh, Pháp, Ủy ban châu Âu (EC)…
Và sáng nay 24/4 (giờ Hà Nội), Thượng viện Mỹ duyệt 4 dự luật nằm trong gói viện trợ nước ngoài, trong đó có dự luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng hoặc phải dừng hoạt động tại quốc gia này.
Tại Việt Nam, sau khi chính thức ra mắt tại, TikTok đã nhanh chóng trở thành công cụ đem lại lợi ích không nhỏ cho các nhà sáng tạo nội dung, giúp quảng bá văn hoá, du lịch Việt Nam, xúc tiến thương mại,…
Tiktok phải ủy quyền cho pháp nhân ở Việt Nam quản lý nội dung, có như vậy mới xử lý triệt để được rác thông tin, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh quốc gia. |
Thế nhưng ngược lại, TikTok cũng có nhiều mặt hạn chế, đặc biệt là những nội dung rác, thông tin xấu độc xuất hiện dày đặc trên nền tảng này nhưng không được kiểm soát, kiểm duyệt một cách chặt chẽ, dẫn tới những tác động tiêu cực tới người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Cũng chính bởi việc thả nổi thông tin của TikTok, đã tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng để đơm đặt, bóp méo thông tin, tuyên truyền xuyên tạc, chống phá các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh quốc gia.
Tháng 4/2023, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do trong một cuộc họp, đã rất quyết liệt khi phát biểu rằng, các nền tảng xuyên biên giới, trong đó có Tiktok phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu không tuân thủ sẽ không được chào đón.
Sau đó là một cuộc kiểm tra toàn diện Tiktok từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Rất nhiều vi phạm đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm phải kể tới việc TikTok không cung cấp thông tin về các giải pháp rà quét, giám sát, phát hiện, ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Theo kết luận kiểm tra, TikTok cho biết từ 01/03/2023, đã cung cấp công cụ hỗ trợ thực thi an toàn (“TSET”) cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trong đó có Bộ Thông tin và Truyền thông để hợp tác hiệu quả hơn với Chính phủ Việt Nam trong việc chống lại thông tin độc hại, nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Song thực tế đây chỉ là một công cụ để các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gửi những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, yêu cầu TikTok ngăn chặn, gỡ bỏ mà chưa phải là công cụ để các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam rà quét, giám sát, phát hiện nội dung vi phạm.
Một nội dung đáng chú ý nữa được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra, là Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam – công ty có trụ sở tại Hà Nội với hơn 800 nhân sự (tại thời điểm kiểm tra), lại chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ cho TikTok Pte (Công ty TikTok Singapore) và không trực tiếp tham gia quản lý, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Do vậy, ngay kể cả những tài khoản đăng tải thông tin vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, vi phạm pháp luật Việt Nam, khi được cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện, yêu cầu TikTok gỡ bỏ cũng gặp không ít khó khăn.
Những con số cụ thể được chỉ ra tại kết luận kiểm tra, như: Năm 2020 TikTok xử lý 50% yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam; năm 2021 xử lý 61%; năm 2022 xử lý 70,2% và quý I/2023 xử lý 88,51%.
Và để giải quyết vấn đề này, ngoài các giải pháp, chế tài từ các cơ quan quản lý nhà nước, trong kết luận kiểm tra, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam được TikTok Singapore uỷ quyền trực tiếp hoạt động quản lý cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua trang TikTok.com và ứng dụng TikTok.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam khi đó cam kết sẽ tuân thủ quy định pháp luật địa phương; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành liên quan để thực hiện kết luận kiểm tra. Nhưng sau đó, cuối tháng 12/2023, TikTok lại từ chối uỷ quyền quản lý nội dung cho pháp nhân ở Việt Nam như yêu cầu trong kết luận kiểm tra.
Trở lại với vấn đề chính là việc kiểm soát, kiểm duyệt, ngăn chặn thông tin xấu độc, vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, quy định pháp luật Việt Nam trên TikTok, dù nhà phát triển đã có những giải pháp nhất định, song thông tin xấu độc trên nền tảng này vẫn là một “đặc sản” xuất hiện dày đặc, thậm chí còn được đẩy lên xu hướng, tương tác với hàng triệu người cực kỳ nguy hiểm.
Thế nên, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải có biện pháp cứng rắn hơn với nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới này. Nếu Tiktok Singapore không hợp tác, không uỷ quyền cho pháp nhân ở Việt Nam quản lý nội dung, thì chẳng có lý do gì để chúng ta tiếp tục chào đón TikTok.
Có như vậy, cái gốc của vấn đề mới được giải quyết!
Nguồn: https://congthuong.vn/xu-ly-thong-tin-xau-doc-tren-tiktok-phai-lam-nghiem-tu-goc-316565.html